Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xin ý kiến bộ, ngành thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ xin ý kiến góp ý về  dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Theo đó, để có cơ sở trình Chính phủ xem xét, quyết định về việc lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã dự thảo đề án, nghị quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm, gửi các bộ, cơ quan Trung ương xem xét, có ý kiến góp ý. 

Trước đó, ngày 7/7/2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.

Thông qua những kết quả đạt được, UBND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm.

Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh giám sát về an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành. Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh giám sát về an toàn thực phẩm tại chợ Bến Thành. Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mô hình Ban Quản lý ATTP ra đời giải quyết căn bản vấn đề cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Việc kết hợp lực lượng quản lý từ 3 sở (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) không làm tăng biên chế nhưng đã làm tăng hiệu quả trong phân công, xử lý công việc khi chỉ còn một đầu mối.

Đồng thời, việc có một cơ quan cấp sở tập trung cho công tác bảo đảm ATTP cũng nói lên tầm quan trọng, nâng cao vai trò, vị thế của công tác đảm bảo ATTP với người dân TP về phối hợp với sở, ban, ngành, TP Thủ Đức, quận - huyện và các đơn vị trên địa bàn TP, về liên kết, phối hợp với các tỉnh, về hợp tác quốc tế.

Mặt khác, tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý ATTP cấp TP tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.

Việc thống nhất lực lượng về Ban Quản lý cho phép xây dựng mạng lưới Đội quản lý ATTP bố trí tại các chợ đầu mối và quận - huyện (hiện đang bố trí 70% nguồn lực cho thanh tra). Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bị chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tập trung đầu mối quản lý nhà nước ATTP.

Bên cạnh đó, trong cải cách hành chính, thông tin truyền thông và cấp phép đã tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP; việc đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, hậu kiểm, thanh tra… làm tăng sự hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về ATTP.

Ngoài ra, sự sáng tạo của mô hình tổ chức Đội Quản lý ATTP liên quận - huyện và chợ đầu mối đã tác động tích cực đến hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn TP.

Từ mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP TP, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm. Cụ thể là trên cơ sở Ban Quản lý ATTP, thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành tại Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ban Quản lý trong công tác xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, thành lập cơ quan Thanh tra về ATTP để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thành lập mạng lưới các Đội quản lý ATTP liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở An toàn thực phẩm, có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát ATTP, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.