Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ đặc quyền trong đầu tư cơ sở hạ tầng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quan hệ đối tác công tư (PPP) được đánh giá là giải pháp thay thế hữu hiệu cho các hình thức BOT, BTO hay BT vốn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và thuyết phục được lòng tin

KTĐT -  Quan hệ đối tác công tư (PPP) được đánh giá là giải pháp thay thế hữu hiệu cho các hình thức BOT, BTO hay BT vốn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và thuyết phục được lòng tin, nhất là do đã tạo ra đặc quyền cho nhà đầu tư…

Tốn đất để đổi lấy hạ tầng

Đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, bà Vũ Quỳnh Lê, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đấu thầu, cho biết: Tính đến thời điểm này, có khoảng 110 dự án BOT, BTO và BT đã và đang được thực hiện hoặc trong thời gian kêu gọi đầu tư.

Ở Hà Nội, có thể điểm tới dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, tuyến đường 5 kéo dài, đường vành đai 3, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm như Lê Văn Lương, Văn Cao… hay hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu đô thị mới như Linh Đàm, Đại Kim-Định Công, khu vực Đông Nam Trần Duy Hưng và khu thể thao Mỹ Đình.

Ngoài ra, còn có một số dự án tương tự tại Tp. Hồ Chí Minh như: đường ôtô cao tốc Tp. HCM – Trung Lương; đường cao tốc Tp. HCM – Long Thành – Dầu Giây, cầu Phú Mỹ, cầu Rạch Miễu…

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, việc hợp tác đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân thông qua hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT đã được thể chế hóa, song vấn đề đặc quyền cho nhà đầu tư trong xây dựng và kinh doanh các công trình hạ tầng để gắn kết trách nhiệm, chia sẻ rủi ro và đảm bảo hài hòa lợi ích… vẫn còn nhiều điều đáng bàn và chưa thực sự mang lại hiệu quả nên chưa khơi thông được tâm lý, cũng như nguồn tài chính tư nhân vào các dự án hạ tầng.

Thậm chí, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, còn nhận định, chúng ta đang rất tốn đất để đổi lấy việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và vô hình chung làm lợi cho nhiều doanh nghiệp.

“Việc phê duyệt xây dựng rồi cho phép kinh doanh, khai thác ngay tại chính công trình hạ tầng đó đã thể hiện sự sai lệch về ý nghĩa của phương thức hợp tác BTO hoặc BOT, nên không chỉ hạn chế hiệu quả đầu tư của dự án mà còn là nguyên nhân của nhiều bất bình trong dư luận.” – ông Võ nói.           

Tạo điều kiện để thu hút vốn từ khu vực tư nhân

Từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 160 tỷ đô la Mỹ để phát triển hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật thông qua các dự án mở rộng, nâng cấp mạng lưới đường giao thông, cầu cống, các nhà máy điện, nhà máy cấp thoát nước và xử lý rác thải…

Trong khi đó, đầu tư công truyền thống từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn ODA hiện chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu nói trên. Điều đó đồng nghĩa, hơn 50% nguồn tài chính còn lại sẽ phải huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Vậy mà thời gian qua, con số được công bố từ Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng đầu tư. Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức liên danh, liên kết còn rất dè dặt bởi nhiều quan ngại về hiệu quả đầu tư, tỷ suất sinh lời và khả năng an toàn vốn.

Điều này càng đòi hỏi cấp bách một mô hình hợp tác mới sao cho hiệu quả nhằm thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Và không ít chuyên gia cho rằng, phương thức hợp tác Nhà nước – tư nhân đã có bước tiến hóa với tên gọi mới là quan hệ đối tác công tư (PPP) và được đánh giá là giải pháp thay thế hữu hiệu cho hình thức BOT, BTO hay BT như trước đây.

Với mô hình hợp tác này, hàng năm, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư PPP và tiến hành đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư trong và ngoài nước đủ năng lực và kinh nghiệm nhất.

Theo Cục Quản lý Đấu thầu, cơ cấu vốn chuẩn cho những dự án hợp tác thuộc loại này là 30% của Nhà nước và 70% của tư nhân. Trong đó 21% là vốn chủ sở hữu và 49% còn lại là do nhà đầu tư vay thương mại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, PPP là mô hình đã được áp dụng hiệu quả ở nhiều nước tiên tiến, với những quy trình tường minh hơn và xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên để chia sẻ rủi ro và phân bổ quyền lợi.

Trước mắt PPP sẽ được thí điểm khoảng 2-3 dự án ở mỗi lĩnh vực (không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay người ngoài) để lấy kinh nghiệm thực tiễn và làm cơ sở biên soạn những quy chế, cũng như xây dựng hệ thống văn bản pháp lý cho hình thức hợp tác này.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong góp ý thêm, quan trọng là cần có Luật Đầu tư công, để những dự án PPP sắp triển khai tới đây sẽ thực sự đúng hướng và hạn chế những bất cập của các hình thức cũ. Đặc biệt, cần có những chế tài xử phạt cụ thể để đảm bảo hiệu quả cho mối quan hệ đối tác công tư, cũng như sự thành công và tính bền vững của các công trình hạ tầng cơ sở.