Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ tư duy đi lại “từ cửa tới cửa”

Lê Thị Khánh Linh - Nghiên cứu sinh Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi xe máy xuất hiện, con người bỗng trở nên… lười hơn. Tâm lý bước chân ra khỏi nhà đã có xe máy vi vu đến mọi nơi bỗng chốc trở thành tư duy cố hữu. Sử dụng phương tiện công cộng vì thế trở thành thói quen… quá đỗi xa xỉ.

Vật bất ly thân
Khi xe máy chưa xuất hiện, người dân Hà Nội đi lại chủ yếu bằng xe đạp, xe điện và đi bộ, một nhịp sống khá bình lặng nhưng an toàn và trong lành. Cho đến khi xe máy bao trùm cả TP, xe điện biến mất, xe đạp thưa đi và khái niệm đi bộ chìm dần vào quên lãng.
Người Việt vốn dĩ cần cù, siêng năng nhưng nhiều khi sự quá tiện lợi lại làm con người dễ “chiều chuộng” mình. Nếu như trước đây, việc di chuyển bằng đi bộ vài ba cây số đối với ông cha ta rất bình thường, thì bây giờ, chỉ vài trăm mét, thậm chí vài chục mét cũng nổ xe máy để đi cho nhanh và… cho phép mình lười một chút, mà chủ yếu diễn ra ở giới trẻ.
Dần dần, giới trẻ hình thành tư duy đi lại "từ cửa đến cửa", không thích sử dụng xe buýt hay đi bộ, ngay lập tức bước ra khỏi nhà là phải ngồi lên xe và đến vị trí cần đến thì cất xe lại và gần như không đi bộ. Với tư duy này, giới trẻ đã vô tình tự đánh mất chính cơ hội được đi bộ của mình, đánh mất chính khoảnh khắc cùng trò chuyện thong dong với nhau và vô tình làm cho tình trạng ùn tắc giao thông đô thị ngày thêm trầm trọng.

Ùn tắc giao thông trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Hải Linh  

Việc mỗi người sở hữu một chiếc xe máy đã gần như mặc định, khi con vào đại học, đi làm nghiễm nhiên phải có xe máy cũng làm cho số lượng xe máy ở Hà Nội hiện nay tăng gần số dân.
Có thể thấy, ở các nước phát triển, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển và luôn gắn với giao thông xanh khi hạn chế tối đa phương tiện cá nhân. Như tại Nhật Bản, người dân đi bộ mỗi buổi sáng đi làm, họ coi đó là cơ hội để rèn luyện sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật. Vì thế, tỷ lệ người béo phì ở Nhật Bản so với các nước phát triển khác khá thấp, tuổi thọ trung bình cũng vào hàng cao nhất thế giới.
Những năm 50 của thế kỷ trước, Nhật Bản gặp vấn nạn về tai nạn giao thông khi số vụ tai nạn xảy ra quá nhiều. Phương tiện cá nhân là tác nhân chủ yếu. Hiện nay, giao thông Nhật Bản vào hàng an toàn nhất thế giới, đặc biệt gần như vắng bóng xe máy trên đường, người đi bộ nườm nượp.
Vậy tại sao số đông mọi người lại đánh mất cơ hội đi bộ mỗi ngày để tiếp cận giao thông công cộng thay vì phụ thuộc vào phương tiện cá nhân gây nguy hiểm cho chính mình?
Đi bộ thể hiện sự văn minh
Số đông những người ít đi bộ nhất lại rơi vào lớp trẻ - những người có sức khỏe và sung sức nhất. Họ có thể đi xe máy với tốc độ cao mà không run sợ, nhưng chỉ đi bộ một đoạn đã… thấy e dè. Khái niệm văn minh trong giao thông cần được thay đổi một cách toàn diện, hướng tới tương lai thông qua hoạt động tuyên truyền và giáo dục học đường. Đó cũng là một cách để xã hội gắn bó và tin tưởng nhau hơn khi sử dụng chung dịch vụ công do chính quyền cung cấp. Nếu như còn giữ tư duy đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, xã hội sẽ đi đến cạnh tranh bất bình đẳng, người mạnh kẻ yếu, tranh đấu nhau. Trong giao thông là tranh nhau từng vòng xe để nhao lên phía trước, xâm lấn vỉa hè và thậm chí là tranh nhau từng khoảng không trong lành ít ỏi trong đô thị đông đúc.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng cần có cách làm sáng tạo để tuyên tuyền về việc từ bỏ tư duy đi lại “từ cửa tới cửa”, dần dần thay đổi nhận thức rồi đến thay đổi hành vi. Phát động các chiến dịch lớn do các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức, các hội thi mang chiều sâu, đi vào cuộc sống và đặc biệt là mang tính định hướng rõ ràng về sự văn minh của đi bộ.
Cùng nhau đi bộ không phải là sự “trở về” của thời gian, không phải là sự thụt lùi. Đó là sự đi lên hoàn hảo, một xu thế tất yếu mà cần sự tiên phong của mỗi con người. Đi bộ sẽ nhanh hơn, an toàn hơn nếu như xe cộ ít hơn, đường dành cho người đi bộ nhiều hơn, cầu, hầm ở mọi nơi, vỉa hè rộng rãi. Tư duy đi lại “từ cửa đến cửa” không còn phụ thuộc vào xe cộ nữa, mà đó chính là ở đôi chân của mỗi người. Hãy cùng nhau xây dựng văn hóa giao thông bằng tình yêu xe buýt, bằng đôi chân dẻo dai và bằng các phương tiện xanh thân thiện với môi trường của Thủ đô Hà Nội.