Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các BV: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và BV K. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, 4 BV này khi bắt đầu thực hiện thí điểm Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc BV hoặc Tổng Giám đốc BV (theo Đề án của mỗi BV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với thời gian tối đa là 2 năm. "Tôi cho rằng, mọi sự thay đổi đều không dễ dàng nhưng nếu mạnh dạn cắt bỏ những thứ bất hợp lý, bất công, thì người bệnh có cơ sở để tin rằng, con đường tự chủ sẽ mang đến một diện mạo mới văn minh, công bằng, minh bạch. Đây là điều mà ngành y tế nên hướng tới và thực hiện, nhân rộng trên toàn quốc." - Phó Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam, TS Trương Hồng Sơn Việc làm tất yếu! "Với quyết định xóa giường bệnh dịch vụ của BV Bạch Mai sẽ kéo tất cả các hoạt động khám, điều trị BV này sẽ phải nâng cao chất lượng lên. Qua đó, làm sao vừa thu hút ngày càng đông bệnh nhân đến điều trị, vừa mang lại hiệu quả về chuyên môn cũng như về kinh tế y tế. Đây là việc tất yếu và cần thiết mà đáng lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi. Chất lượng KCB được nâng lên sẽ thu hút bệnh nhân đến, đó sẽ là lợi nhuận, không nên tận thu những giường dịch vụ giá cao để những bệnh nhân khác mất cơ hội điều trị." - Bác sĩ Trần Văn Phúc - BV Đa khoa Xanh Pôn |
Xóa giường dịch vụ trong bệnh viện công: Người nghèo thêm cơ hội
Kinhtedothi - Thông tin Bệnh viện (BV) Bạch Mai sẽ xóa sổ giường bệnh dịch vụ được nhiều người dân, bệnh nhân đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều cần thiết phải thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo trong cơ sở y tế công, bảo đảm người bệnh được công bằng trong điều trị.
Sẽ xóa bỏ giường dịch vụ
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, BV bắt đầu tiến hành các bước, các quy định của Chính phủ về việc đưa BV sang một trang mới về công tác hoạt động tự chủ. “Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) được đặt lên hàng đầu” – ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo BV, hiện nay, tỷ lệ giường bệnh dịch vụ theo yêu cầu được khống chế ở mức tối đa là 30% (trong khi trước đây là 50 - 60%), lộ trình sau đó giảm xuống còn 25%, 20% và sẽ dần dần loại bỏ giường bệnh dịch vụ. Ngoài ra, BV sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, các gói dịch vụ để chăm sóc bệnh nhân. Mục tiêu là các bệnh nhân đều được chăm sóc tốt nhất. "Khi bệnh nhân không còn phải nằm ghép, tất cả các giường bệnh đều có điều kiện tốt như nhau, bảo đảm công bằng cho người bệnh'' – TS Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết.
Ông Hùng cho biết thêm, trong thời gian tới, BV sẽ kiểm tra liên tục, đơn vị nào có nằm ghép phải giải trình rõ lý do, nhanh chóng giải tỏa để chấm dứt tình trạng này. Nếu khoa phòng nào còn có bệnh nhân nằm ghép thì không được phép thu tiền giường bệnh theo yêu cầu.
Tại Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đưa ra khung giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt), các cơ sở y tế khác tại các TP lớn được thu tối đa từ 900.000 đồng - 3 triệu đồng/giường/ngày.
BV Bạch Mai đã thực hiện triệt để chủ trương này. Nhiều bệnh nhân cho rằng, BV đã quá chú trọng vào việc đầu tư vào loại hình dịch vụ giá VIP để thu tiền bệnh nhân có yêu cầu trong khi chất lượng dịch vụ giá thường không bảo đảm, tạo sự bất công trong BV, gây bức xúc cho người bệnh.
Công bằng trong điều trị
Trước thông tin BV Bạch Mai sẽ "xóa sổ" giường yêu cầu, đa phần quan điểm, ý kiến tỏ ra đồng tình. Thực tế, hiện hệ thống BV công tại Việt Nam đang có hiện tượng nhập nhằng công – tư. BV công đang tận dụng nguồn lực công để đầu tư và thu lợi. Một chuyên gia y tế cho rằng, bác sĩ là tài sản công lớn nhất, thương hiệu BV là tài sản công thứ 2.
Đưa KCB dịch vụ vào BV công, lấy thương hiệu của BV thì đây là sử dụng tài sản công làm dịch vụ. Như vậy, hệ thống y tế công làm giàu bằng nguồn đầu tư của Nhà nước, vừa không sòng phẳng với y tế tư nhân, vừa mất công bằng trong BV, đánh mất cơ hội điều trị của nhiều bệnh nhân nghèo.
Trong tình trạng thiếu chỗ nằm, BV phải nằm ghép, trong khi một người nằm phòng theo yêu cầu có thể làm mất cơ hội của 3 - 4 người khác. Đây là thực trạng đã xảy ra không chỉ tại BV Bạch Mai mà nhiều BV khác trên toàn quốc.
Nhìn nhận về việc xóa bỏ giường dịch vụ trong BV công mà Bạch Mai đang thực hiện, theo GS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi T.Ư, đây là chủ trương đúng đắn. Hiện các BV đã thực hiện tự chủ, BV muốn có bệnh nhân buộc phải nâng cao chất lượng, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Tuy nhiên ông Hải cũng nêu quan điểm, nếu BV không còn tình trạng nằm ghép, bệnh nhân có yêu cầu để hưởng cách dịch vụ y tế chất lượng cao như được nằm giường tự nguyện thì các đơn vị y tế vẫn nên đáp ứng. Bởi, nếu BV trong nước không đáp ứng nhu cầu, nhiều người bệnh sẽ ra nước ngoài điều trị.
Cũng theo GS Hải, việc mở giường dịch vụ trong BV cũng “rất đau đầu”, bởi trước tiên BV phải giải quyết được vấn đề bệnh nhân nằm ghép.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng cho rằng chủ trương xóa bỏ giường dịch vụ của BV Bạch Mai là việc làm tốt, cần thực hiện sớm để “làm gương” cho các đơn vị khác noi theo. TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, nhiều nước đã phải trả giá cho việc tư nhân hóa dịch vụ y tế công, bởi “tiết kiệm từ giảm chi phí ngân sách công” chưa chắc đã bù lại được sự gia tăng giá dịch vụ y tế, khiến toàn xã hội phải chịu đựng, BHYT, và cả nguồn tài chính từ tiền túi người dân đều sẽ rơi vào tình trạng không đủ khả năng chi trả. Bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng rộng ra.
Có thể nói, việc BV Bạch Mai tạm dừng các đơn vị dịch vụ là một tín hiệu tốt cho thấy ngành y tế đến lúc cần phải chuẩn hóa cả về cung cách, quản lý, giá cả và bảo đảm công bằng trong BV. Đặc biệt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, để người bệnh không còn cảm giác như bị “móc túi” hay bị coi như những “con gà béo” khi đến BV như lời Phó Giám đốc BV Bạch Mai Dương Đức Hùng nói.