Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa hành vi lệch chuẩn trong trường học

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/5 tới, Thông tư 06/2019/TT-BGDDT quy định về “Quy tắc ứng xử (QTƯX) trong cơ sở giáo dục mầm nầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên” do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ có hiệu lực.

Lần đầu tiên, các QTƯX trong trường học được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật với hy vọng xóa bỏ các hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường.
Ngăn chặn các hành vi tiêu cực
Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề QTƯX trong trường học được ngành giáo dục đề cập đến. Không ít các văn bản, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh, TP xung quanh vấn đề ứng xử trong trường học đã được ban hành. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai các QTƯX cho học sinh thông qua các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” và lồng ghép vào các tiết học ngoại khóa.
 Cô và các bé trường Mầm non Uy Nỗ, huyện Đông Anh trong giờ học. Ảnh: Chiến Công
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến năm 2018, toàn ngành đã có 68,7% số trường phổ thông ban hành và thực hiện QTƯX văn hóa, trong đó 54,6% số trường thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử lý vi phạm hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bộ QTƯX trong các trường học có hình thức, nội dung chưa đầy đủ, chung chung, dẫn tới việc triển khai QTƯX nhiều nơi chưa thực chất, hiệu quả.
Với Bộ QTƯX sắp có hiệu lực, những quy định chung về trang phục, cách ứng xử, những việc nên làm, không nên làm được cụ thể cho từng đối tượng bao gồm học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh. Đặc biệt, trong thời mạng xã hội phát triển, Bộ QTƯX đã có quy định về việc sử dụng mạng xã hội. Trong đó nêu rõ nghiêm cấm học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn chia sẻ, trong nhà trường, một bộ phận học sinh đang chịu nhiều tác động từ sự biến động, xuống cấp đạo đức của xã hội. Dù nhà trường đã rất cố gắng nhưng vẫn có những “vệt lõm” trong giáo dục đạo đức cho học sinh. Do vậy, việc áp dụng một bộ QTƯX là điều cần thiết, từ đó sẽ tạo ra hành lang cho các trường trong xây dựng văn hóa ứng xử riêng cho mỗi nhà trường. Hơn nữa, nhà trường là môi trường giáo dục có vài trò lớn trong việc hình thành nhân cách học trò nên càng cần thiết có những quy chuẩn cụ thể để ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường.
Đưa quy tắc vào thực tiễn
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã cùng ký kết ban hành Kế hoạch triển khai “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải niêm yết công khai Bộ QTƯX tại nơi dễ nhìn, dễ thấy trong trường. Đồng thời, trong tháng 5/2019, Sở đã yêu cầu toàn bộ các trường phải quán triệt lại với cán bộ giáo viên, nhân viên các quy định của ngành về đạo đức nhà giáo, trong đó có Bộ QTƯX theo Thông tư 06.
Tuy nhiên, theo ông Chử Xuân Dũng, bên cạnh việc áp dụng các QTƯX cần phải hỗ trợ cho giáo viên và cả học sinh các kỹ năng ứng xử trong môi trường sư phạm thông qua các buổi tọa đàm để các thầy cô và các em có thể bày tỏ ý kiến của mình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ, trên cơ sở quy định tại Thông tư này, các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện Bộ QTƯX với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh…). Như vậy, so với nội dung quy định QTƯX của Bộ thì Bộ QTƯX tại các trường học có nhiều nội dung đã được các trường bổ sung cụ thể, phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, địa phương. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, các nhà trường có thể góp ý phản biện, xây dựng, sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, việc này phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến từ cơ sở.