Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa “nghẽn” trong điện tử hóa giấy tờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tục thuế nhanh gọn hơn nhờ giảm bớt thời gian thực hiện, cắt giảm một số giấy tờ,...

Kinhtedothi - Thủ tục thuế nhanh gọn hơn nhờ giảm bớt thời gian thực hiện, cắt giảm một số giấy tờ, đồng thời thay đổi phương thức thực hiện từ thủ công sang điện tử. Đây là xu thế tất yếu nhằm đơn giản hóa thủ tục thuế, giúp cho người nộp thuế (NNT) tiết kiệm được thời gian.

Lợi cả đôi đường

Một trong những việc làm hàng ngày của chị Hoàng Thu Trang, nhân viên kế toán một công ty điện tử - tin học tại Hà Nội là mở máy tính, cập nhật các hóa đơn, chứng từ thông qua phần mềm kê khai thuế. Bên cạnh đó, chị cũng có điều kiện thường xuyên kiểm tra các hóa đơn, chứng từ đầu vào, bản kê bán hàng đầu vào - đầu ra... đã được nhập từ trước. Đến hạn nộp theo quy định của cơ quan thuế, chỉ cần một vài thao tác nhấp chuột đơn giản, chị Trang nhanh chóng nộp bản kê khai thuế đầy đủ, chính xác mà không phải mất thời gian, công sức để in ấn, xin chữ ký, đến trực tiếp cơ quan thuế.

 
Thực hiện kê khai thuế qua mạng, cán bộ ngành thuế có nhiều thời gian giải đáp những vướng mắc về thủ tục thuế cho doanh nghiệp hơn. Trong ảnh: Bộ phận một cửa tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Thực hiện kê khai thuế qua mạng, cán bộ ngành thuế có nhiều thời gian giải đáp những vướng mắc về thủ tục thuế cho doanh nghiệp hơn. Trong ảnh: Bộ phận một cửa tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Ngoài việc kê khai qua mạng, ngành Thuế cũng đang triển khai thúc đẩy việc doanh nghiệp (DN) nộp thuế qua mạng. Tham gia nộp thuế điện tử, DN có thể nộp thuế ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ ở đâu có kết nối internet và nộp thuế 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Khi vào ứng dụng nộp thuế điện tử, hệ thống xử lý thông tin của ngành thuế có khả năng tự động thông báo cho DN biết cụ thể từng loại thuế và số thuế phải nộp. Việc triển khai nộp thuế điện tử cũng giúp cơ quan thuế tăng cường hiệu quả công tác quản lý, xử lý thông tin thu nộp thuế nhanh chóng, chính xác, góp phần đa dạng hóa các kênh thu ngân sách.

Theo bà Lê Hồng Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, 3 nhóm thủ tục được đẩy mạnh đơn giản hóa là thủ tục hóa đơn, kê khai và nộp thuế. Hiện, ngành thuế đã đẩy mạnh kê khai thuế qua mạng internet tại 63 tỉnh, TP, phấn đấu hết năm 2014 đạt trên 90% DN tham gia.

Những rào cản ngoài ý muốn

Việc nộp, kê khai thuế qua mạng được Tổng cục Thuế đánh giá là "sự lựa chọn thông minh" của DN thay cho đến nộp trực tiếp tại cơ quan thuế (mất công đi lại, chờ đợi), song điều này còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), máy chủ... Để có thể sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, NNT cần có tài khoản của những ngân hàng đã ký kết với Tổng cục Thuế; đã được cấp mã số thuế/mã số DN và đang hoạt động; có chứng thư số, có kết nối internet và địa chỉ liên lạc ổn định với cơ quan thuế và đang thực hiện khai thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những khó khăn riêng trong quá trình triển khai. Ở một số địa bàn quy mô nhỏ, việc tiếp cận ứng dụng CNTT của các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ, theo hộ gia đình, trình độ tin học còn nhiều hạn chế.

Thực tế, nhiều DN cũng nêu lên những khó khăn như gián tiếp làm cho DN phát sinh các chi phí do phải mua chữ ký số với chi phí từ 1 - 2 triệu đồng/năm thuê bao từ các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Bản thân việc kê khai thuế qua mạng cũng có nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là việc Tổng cục Thuế liên tục nâng cấp ứng dụng và phần mềm ứng dụng hỗ trợ, các biểu mẫu mới. Điều này khiến cho có tháng hoặc quý, DN phải cập nhật phần mềm hỗ trợ này từ 2 - 5 lần, vì nếu không, khi nộp tờ khai, hệ thống sẽ không tiếp nhận.

Ngoài ra, một khó khăn trong việc sử dụng chứng thực số là DN phải tính đến chuyện quản lý chứng thư số, có cơ chế quản lý hồ sơ điện tử. Trước đây, khi lập một tờ khai thuế, thường mỗi bản kê khai phải có chữ ký của người lập biểu, rồi kế toán viên, kế toán trưởng, rồi mới đến lãnh đạo DN. Nay, sử dụng chữ ký số, chỉ có lãnh đạo DN chịu trách nhiệm ký, như thế cũng khiến nhiều DN không yên tâm. Do đó, DN đòi hỏi phải cung cấp thêm chữ ký điện tử cá nhân để kiểm soát trong nội bộ DN. Điều này đương nhiên cũng sẽ làm tăng thêm chi phí. Nhiều ý kiến đề xuất, Tổng cục Thuế cần có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn nữa trong việc thích ứng với hiện trạng cơ sở hạ tầng của DN nếu muốn khuyến khích và tiến tới bắt buộc các DN phải kê khai, nộp thuế qua mạng.

Cục trưởng Cục CNTT - Tổng cục Thuế Trương Thị Hải Đường cho biết, theo kế hoạch ứng dụng CNTT ngành thuế giai đoạn 2011 - 2015, Tổng cục Thuế sẽ kết nối với nhiều ngân hàng thương mại khác nhau thay vì 4 - 5 ngân hàng như trong giai đoạn thí điểm hiện nay. Đồng thời, Tổng cục sẽ rà soát và hoàn thiện các quy định pháp lý cho phép các đơn vị được tham gia cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử nhằm xã hội hóa dịch vụ này, hướng tới mục tiêu NNT có thể tự lựa chọn dịch vụ hỗ trợ tốt, phù hợp. Đến năm 2015, ngành thuế sẽ triển khai mở rộng Cổng dịch vụ thuế điện tử phục vụ DN và NNT trên toàn quốc, giúp nâng cao hình ảnh về cơ quan thuế, cán bộ thuế.
Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm thuế điện tử, ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến nay, TP đã có gần 94.000 DN kê khai thuế qua mạng internet, tỷ lệ nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn luôn đạt trên 94%. Cục Thuế Hà Nội đã sớm sàng lọc và chủ động mời 600 DN trong tổng số trên 94.000 DN đang kê khai thuế qua mạng thuộc 5 phòng kiểm tra và 7 chi cục thuế lớn tham gia thí điểm nộp thuế điện tử.