Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa nợ thuế cho DNNN: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 27/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Nội dung sửa đổi lần này tập trung vào xử lý những khoản nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp cổ phần để góp phần thực hiện tái cơ cấu DNNN, thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN; Báo cáo thẩm tra về dự án Luật của Ủy ban Tài chính NS của QH đánh giá xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, phải được xem xét một cách thấu đáo. 
xử lý những khoản nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước
Xử lý những khoản nợ thuế của doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa
Xóa nợ thuế cho DNNN để hấp dẫn cổ phần hóa
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Chính phủ trình Quốc hội xét cho DN nhà nước được xóa nợ tiền thuế. Cụ thể xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách CPH, giao, bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hướng: DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN, thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.

Theo Bộ Tài chính, trường hợp được thông qua thì tổng số DNNN được xóa nợ thuế tính đến thời điểm 30/6/2015 có khoảng 36 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ thuế khoảng 273 tỷ đồng, trong đó: Tiền thuế là 101 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 172 tỷ đồng.

Thứ hai, DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 01/7/2007. Trường hợp này, tổng số doanh nghiệp được xóa nợ thuế tính đến thời điểm 30/6/2015 có khoảng 68 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế còn nợ là 209 tỷ đồng, trong đó: Tiền thuế là 136 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 73 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để việc xác định giá trị DNNN phục vụ cho tiến hành cổ phần hóa đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường hơn, qua đó góp phần tăng thu hút NĐT tham gia, thúc đẩy CPH DNNN, Chính phủ đề xuất Quốc hội xóa nợ thuế với một số nhóm DNNN, các công ty cổ phần hình thành từ CPH DNNN như trên.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Luật quản lý thuế hiện hành đã được bổ sung, sửa đổi về xóa nợ. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa phản ánh được thực tế khách quan về những trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là khoản nợ phát sinh của các DN phá sản, giải thể và bỏ trốn do chưa giải quyết dứt điểm những khoản nợ cũ.

Ngoài ra, không ít DN nhà nước không thể cổ phần hóa được do nợ thuế, thậm chí có DN còn bị mất hết vốn. Do đó, cần có giải pháp xử lý các khoản nợ thuế của các DNNN, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có lỗ lũy kế lớn hơn số nợ thuế, qua đó giúp doanh nghiệp đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu để thực hiện CPH. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính NS của QH cho biết, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, phải được xem xét một cách thấu đáo. Cụ thể, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như Dự thảo luật nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như Dự thảo luật sẽ dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa, cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của doanh nghiệp hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước.

Vì vậy, chỉ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với DNNN trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31/12/2015, không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên. Theo đó, đây là nội dung mang tính cá biệt, nên đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của DNNN và bổ sung vào Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016.

Tuy nhiên với quy định xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp: “Doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này”, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là các DNNN đã cổ phần hóa nhưng khi cổ phần hóa không xác định số nợ thuế trong giá trị của doanh nghiệp, nên việc quy định pháp nhân mới chịu trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khoản nợ thuế này là chưa hợp lý. Song đây cũng là vấn đề tồn tại, cần rút kinh nghiệm trong quá trình cổ phần hóa DNNN.

Nhưng, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không nhất trí với quy định trên và cho rằng: Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, nguyên tắc khi cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu thì: “Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của Công ty được chuyển đổi”. Vì vậy, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Giảm tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế xuống còn 0,03%

Cũng tại Dự thảo lần này, Chính phủ trình giảm tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế  từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày. Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, mức phạt tiền chậm nộp 0,05%/ngày (tương đương với khoảng 18,25%/năm) theo quy định hiện hành là quá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, do đó nhất trí với Dự thảo xuống còn 0,03%/ngày (tương đương với khoảng 10,95%/năm). Tuy nhiên, cần cân nhắc mức phạt này thấp hơn mức lãi suất quá hạn mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng, không đủ sức răn đe đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế cho Nhà nước.

Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi như Dự thảo luật, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban TCNS chưa nhất trí với phương án giảm thuế và phân loại quá chi tiết đối với các loại xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3  như Dự thảo luật.

Về giá tính thuế TTĐB khi bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại, Dự thảo luật quy định “Giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra không theo giá thị trường thì cơ quan thuế ấn định giá tính thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Dự thảo luật và cho rằng, việc quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch giá tính thuế TTĐB ngay trong Dự thảo luật là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý thu thuế thực hiện, đặc biệt là đề nghị quy định cụ thể mức tỷ lệ (%) so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra ngay trong Dự thảo luật.