Bình đẳng trong gia đình
Thực tế, nhiều người có định kiến về giới mà vô tình không biết. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Đông, Hà Nội) sinh đôi một trai, một gái. Chồng chị là con một, lại sống chung với bố mẹ chồng nên khi hai cháu ra đời, mọi sự quan tâm của ông bà đều dành hết cho đứa cháu trai. Bản thân chị Nguyệt cũng thường hay sai con gái làm mấy việc lặt vặt như quét nhà, phụ mẹ nấu cơm, đôi lúc cầm giúp mẹ một vài thứ..., chứ ít khi sai con trai làm vì chỉ đơn giản “con trai đâu cần vào bếp, lớn lên sẽ có vợ lo”. Nếu con gái có làm sai, chị lại mắng để cháu làm lại. Có lần con gái lỡ đánh rơi cái cốc, chị liền mắng con một trận khiến cháu khóc thút thít.
Chị Nguyệt không ngờ rằng, chính chuyện tưởng nhỏ nhặt ấy đã làm tổn thương đứa con gái đang vào tuổi nhạy cảm. Một lần tình cờ đọc được cuốn nhật ký của con gái với từng câu, từng chữ đều thể hiện sự giận hờn với mẹ đã không đối xử công bằng, chị mới nhận ra mình đang đối xử bất bình đẳng giữa hai đứa con. Cô bé viết: “Con gái thì cũng là con của bố mẹ mà tại sao cả nhà luôn yêu quý anh, không bắt anh phải làm bất cứ việc gì. Tại sao con bé hơn anh mà con luôn phải nhường anh. Con ghét mẹ nhiều lắm”…
Định kiến đó không chỉ tồn tại trong một bộ phận gia đình mà còn thể hiện ngay cả môi trường giáo dục. Ở trường, ngay trong các giờ học trên lớp, nhiều thầy cô luôn nhờ các em nữ lên xóa bảng hay đi giặt giẻ lau chứ hiếm thấy nhờ em nam (?). Rồi ngay cả trong sách giáo khoa tiểu học cũng không ít các hình ảnh minh họa dạy trẻ phải biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ như quét nhà, nhặt rau… phải là hình ảnh bé gái. Chính những điều tưởng chừng đơn giản như vậy đã khiến cho trẻ hình thành lối suy nghĩ không tích cực ngay từ khi còn bé. Các trẻ nam mặc nhiên cho rằng: “Việc giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà là việc của con gái mà không phải việc của mình”.
Lỗi ở sách giáo khoa
Trong chương trình chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có hướng đến mục tiêu rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020. |
Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Những quan niệm truyền thống còn cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam . Một trong các yếu tố chủ chốt là việc gắn vai trò chăm sóc gia đình cho người phụ nữ”. Thực tế trên được nêu rõ trong nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam ” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện. Nghiên cứu này được khảo sát trắc nghiệm với 8.424 phụ nữ và nam giới. Nghiên cứu chỉ rõ vai trò chăm sóc gia đình đã hạn chế cơ hội học tập và cơ hội việc làm của phụ nữ. Cụ thể, 20% phụ nữ phải nghỉ học vì phải làm việc nhà so với 7,3% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều ở trình độ THCS trở xuống và ít hơn ở trình độ PTTH trở lên; 40% đồng ý rằng nam giới không muốn yêu và kết hôn với phụ nữ có học vấn cao hơn mình; 29% đồng ý rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng. TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh: “Phát hiện của nghiên cứu này giải thích vì sao những tiến bộ trong bình đẳng giới lại không tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam . Có một bộ phận đáng kể người Việt Nam dù học vấn cao, sống ở TP nhưng vẫn duy trì các quan niệm bất bình đẳng về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới”.
Một trong những nguyên nhân báo động tạo nên tình trạng bất bình đẳng giới chính ở môi trường giáo dục. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, dân số, môi trường và các vấn đề xã hội, tham gia nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục nhiều năm chia sẻ: “Sách giáo khoa hiện nay có nhiều hình ảnh gây bất bình đẳng. Theo khảo sát của chúng tôi ở 3 cuốn Tự nhiên xã hội lớp 1, Giáo dục công dân lớp 6 và lớp 10 đã cho thấy rất nhiều bài viết, hình ảnh mang nặng định kiến giới. Hình ảnh người phụ nữ, trẻ em gái thường gắn với việc lau nhà, rửa bát, đi chợ…, còn việc đá bóng, vi phạm luật giao thông, chơi bời, xem tivi thì nhất thiết là hình bé trai và bố.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Dự án Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái. Dự án nhằm tăng cường việc thực hiện quyền của trẻ em gái và phụ nữ về giáo dục và loại bỏ những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt tại gia đình, trường học và cộng đồng. Đến nay, dự án đã xây dựng được các dự thảo kế hoạch hành động về bình đẳng giới cho ngành giáo dục, đào tạo, tài liệu khuyến nghị về tăng cường yếu tố bình đẳng giới, tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình sách giáo khoa…
Bên các dự án, đề án, nhiều chuyên gia cho rằng, những hoạt động ngoại khóa ở các cấp học nên có những chủ đề về giáo dục tính bình đẳng giới không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Nên khuyến khích sự tham gia của nam thanh niên và trẻ em trai vì họ là tác nhân của thay đổi văn hóa xã hội cần thiết cho tương lai.