Kinhtedothi - Từ chuyện rất nhiều sinh viên (SV) đại học (ĐH) cũng như cao đẳng (CĐ) sư phạm tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm; rồi đến rất nhiều ngành trong số 681 ngành của 147 trường CĐ mới bị Bộ GD&ĐT “tuýt còi” dừng hoạt động vì không đảm bảo điều kiện tuyển sinh hôm 14/2, khiến các chuyên gia cho rằng, trường CĐ sư phạm nên chuyển sang dạy nghề hoặc nâng cấp lên thành ĐH thay vì tồn tại lay lắt như hiện nay.
Không thể không đạt thì cắt
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như dư luận đồng tình với việc Bộ GD&ĐT công khai thông báo cũng như cảnh báo 681 ngành của 147 trường CĐ không tuyển được SV trong 3 năm hoặc không đủ 4 thạc sĩ. Việc rà soát để hoạt động đào tạo đạt chất lượng hơn là hoàn toàn đúng, đồng thời thể hiện quyết tâm và nghiêm túc của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đối với một cơ sở đào tạo. Hơn thế, việc này còn giúp các trường xác định lại hướng phát triển của mình một cách đúng đắn để bảo đảm và nâng cao chất lượng.
Đồng tình với động thái của Bộ GD&ĐT, nhưng PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, rất khó để “đẻ” ra một trường ĐH hay CĐ. Các trường này không tuyển sinh được vì mấy năm qua, công tác hướng nghiệp chưa tốt, học sinh chỉ thích vào ĐH. Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị: “Vấn đề hiện nay là phải tháo gỡ cho họ, phải tập trung cho việc dạy nghề thế nào để cho có chất lượng. Câu hỏi đặt ra là vậy chứ không phải gạt đi những trường không tốt và các ngành không có kết quả”.
Hiện có 2 xu hướng khiến trường nghề và CĐ nghề không có học sinh. Một là do chính các đơn vị đào tạo không đảm bảo chất lượng khiến học sinh không có kỹ năng nghề để kiếm việc làm. Thứ hai, các trường chỉ biết lấy đủ học viên, rồi cho ra trường mà không tạo ra giá trị gia tăng cho các em. “Bây giờ, Bộ GD&ĐT phải hướng dẫn và củng cố cho các trường này nâng chất lượng đào tạo, chứ không phải thực hiện biện pháp hành chính - không đạt tiêu chuẩn thì cắt. Những ngành nào có năng lực, phải tuyên truyền, quảng bá cho học sinh thấy và người dân hiểu” - TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị.
Nâng chất lượng giáo viên
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã nêu rõ quan điểm, giáo viên (GV) mầm non, tiểu học phải đạt trình độ từ ĐH trở lên. Bởi vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các trường CĐ sư phạm nên được nâng cấp thành ĐH để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết cũng như nhu cầu của người học muốn vào trường ĐH; nhất là khi rất nhiều SV tốt nghiệp các trường ĐH sư phạm không tìm được việc làm. Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không đồng tình: “Chúng tôi phản đối việc này. Vì nâng trường CĐ lên ĐH theo kiểu này thì chúng ta sẽ mất đi những trường CĐ có chất lượng và được những trường ĐH thiếu chất lượng. Như thế rất nguy hiểm. Trường CĐ nào, ngành CĐ nào không tuyển sinh được thì không tồn tại. Không thể đẩy các trường này sang chỗ khác để gây thêm những khó khăn”.
Nói về tình trạng SV sư phạm ra trường không kiếm được việc làm, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, hiện có tình trạng vừa thừa vừa thiếu GV. Cụ thể là sự không đồng đều giữa các địa phương, ngành nghề, cấp học, các trường học, chứ không đơn giản cùng thiếu cùng thừa. Do vậy, ngành giáo dục cần phải có sự điều chỉnh đội ngũ GV hiện tại và trong kế hoạch tuyển sinh thời gian tiếp theo. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao vai trò của các trường CĐ sư phạm trong thời gian qua, nhất là những trường đã tạo được thương hiệu. Biết rằng, GV mầm non và tiểu học cần phải có trình độ ĐH trở lên, nhưng không thể thực hiện ngày một ngày hai hay trong vài ba năm tới. Đối với một số tỉnh miền núi, hệ thống trường CĐ sư phạm vẫn rất cần thiết để nâng cao trình độ cho đội ngũ GV từ mầm non trở lên.
Bởi vậy, để giải bài toán của các trường CĐ sư phạm hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH Thủ đô Hà Nội đề xuất 2 hướng. Một là, một số trường CĐ sư phạm làm vệ tinh cho các trường ĐH sư phạm, làm nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng GV hàng năm cho những người tốt nghiệp ra trường đi dạy được 3 năm. Việc này đã và đang được một số nước tiên tiến thực hiện. Thứ hai, các trường CĐ sư phạm địa phương đào tạo theo giai đoạn. Giai đoạn một gồm 2 năm đầu, SV học ở ĐH sư phạm được cung cấp những kiến thức cơ bản có tính chất lý luận, Giai đoạn hai, năm thứ 3 và 4 được chuyển về trường CĐ sư phạm ở địa phương để thực tập, thực hành. Như vậy, trường CĐ sư phạm mang đúng nghĩa dạy nghề.
Cho dù trường CĐ sư phạm chuyển sang mô hình hoạt động nào thì điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đủ năng lực trình độ. Để làm được điều này cần phải có chính sách tuyển giảng viên giỏi, thay vì chỉ củng cố đội ngũ đang có.
Sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội (trước là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng
|