Xóa nhòa cách biệt
Năm 2008, Hà Nội đã mở rộng gấp hơn 3 lần, trong đó chủ yếu là toàn bộ khu vực địa giới hành chính thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) với nhiều huyện nông thôn. Trước khi gộp vào Hà Nội, tỉnh Hà Tây (cũ) chỉ có 8 tuyến xe buýt gồm 2 tuyến nội tỉnh, 6 tuyến kế cận; không tuyến nào được hưởng trợ giá từ ngân sách.
Việc đi lại của người dân từ Hà Tây ra Hà Nội và các địa phương lân cận gặp rất nhiều khó khăn và chủ yếu vẫn dựa vào xe khách thông thường, xe cá nhân. Trong khi đó, tại Hà Nội (cũ) mạng lưới xe buýt có trợ giá, được đổi mới hoàn toàn về phương tiện, chất lượng dịch vụ cao đã bắt đầu được đưa vào phục vụ Nhân dân từ năm 2001.
Trong 10 năm qua, VTHKCC luôn được chú trọng phát triển, năng lực và chất lượng VTHKCC được nâng cao; liên tục tăng các tuyến buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. TP đã đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT. Năm 2018, dự kiến có 126 tuyến buýt, tăng 1,7 lần so với năm 2008 (75 tuyến). |
Từ chỗ không có một tuyến trợ giá nào, hệ thống VTHKCC bằng xe buýt vừa thiếu, vừa yếu, đến nay đã có 18 tuyến buýt được mở mới, 17 tuyến khác được điều chỉnh và rẽ nhánh đến khu vực thuộc Hà Tây (cũ). Với hầu hết các tuyến buýt đều đang được trợ giá, nhu cầu đi lại của người dân khu vực đã được đáp ứng tốt.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga bày tỏ: “Tôi cũng là một người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) nên tôi hiểu rất rõ ý nghĩa, giá trị của sự đổi thay này. Chính quyền TP đã nỗ lực, làm tất cả để xóa nhòa mọi khoảng cách về địa lý, nhanh chóng đưa khu vực nông thôn, ngoại thành bắt kịp và song hành phát triển cùng đô thị trung tâm Hà Nội. Việc đó đồng thời đã góp phần xóa đi những khác biệt nhất định còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người”.Vẫn còn khó khănTính đến thời điểm này, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của toàn TP Hà Nội là 110 tuyến; bao gồm 91 tuyến trợ giá và thí điểm; 10 tuyến không trợ giá; 9 tuyến kế cận. So với năm 2008, số lượng tuyến xe buýt đã tăng 64%. Đặc biệt các tuyến xe buýt có trợ giá đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, tương ứng với 406/584 xã, phường đạt 68,5% độ bao phủ trên địa bàn TP. Mạng lưới xe buýt vẫn liên tục được theo dõi, rà soát, điều chỉnh để ngày càng hợp lý hơn, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của Nhân dân.Hệ thống hạ tầng xe buýt cũng được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ trong công tác duy tu, duy trì và đầu tư mới, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xe buýt của người dân, nhất là khu vực ngoại thành. Hiện cả TP có hơn 2.725 điểm dừng đỗ xe buýt (tăng 133% so với năm 2008); 370 nhà chờ (tăng 30% so với năm 2008); 96 điểm đầu cuối (tăng 77,7% so với năm 2008), 5 điểm trung chuyển; và trên 18,2 km đường dành riêng cho xe buýt. Cũng trong 10 năm qua, mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã gia tăng thêm 1.769 phương tiện (tăng 582 xe so với năm 2008). Số lượng hành khách được vận chuyển bằng xe buýt trong vòng 10 năm qua đã đạt 430 triệu lượt.Đặc biệt, chất lượng dịch vụ của xe buýt Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ, đột phá, hướng tới các tiêu chuẩn văn minh, hiện đại. Anh Nguyễn Trung Dân (Mỹ Đức) nhìn nhận: “Tôi sử dụng xe buýt đã rất nhiều năm, nhưng từ ngày có xe buýt trợ giá của TP về tôi mới biết đến các dịch vụ tân tiến như: Wifi miễn phí trên xe; hệ thống âm thanh báo điểm dừng…”.Tuy nhiên, anh Nguyễn Trung Dân cũng như nhiều người dân khác đang sinh sống tại khu vực ngoại thành thuộc vùng mở rộng địa giới của Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn TP quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hạ tầng xe buýt. Anh Dân bày tỏ: “Có xe buýt trợ giá, chất lượng cao là tốt lắm rồi nhưng việc chờ đợi xe buýt vẫn còn đôi chút khó khăn, vất vả. Giá như TP đầu tư thêm nhiều nhà chờ che mưa nắng, điểm dừng an toàn, cách xa mặt đường hơn nữa thì người dân sẽ đến với xe buýt nhiều hơn, đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn”.