Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường Đại học Đồng Nai:

Xôn xao sự việc 34 Tiến sĩ, Thạc sĩ chưa bố trí được việc làm

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có đến 34 cán bộ - giảng viên với trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ đang giảng dạy tại Trường ĐH Đồng Nai được liệt vào danh sách “chưa bố trí việc làm” và có nguy cơ sẽ rời khỏi nhà trường trong tương lai. Vì sao có sự việc “gây sốc” này?

Nhiều cán bộ - giảng viên với trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ của Trường ĐH Đồng Nai là nguồn lực chất lượng cao, đảm nhận sứ mệnh giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội.
Nhiều cán bộ - giảng viên với trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ của Trường ĐH Đồng Nai là nguồn lực chất lượng cao, đảm nhận sứ mệnh giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội.

Hàng loạt Tiến sĩ, Thạc sĩ được báo cáo “chưa bố trí việc làm”:

Trong những ngày gần đây, nhiều cán bộ, giảng viên Trường Đại học (ĐH) Đồng Nai có tâm tư trước sự việc lãnh đạo nhà trường báo cáo với UBND tỉnh Đồng Nai về “số lượng giảng viên, chuyên viên chưa bố trí việc làm của Trường ĐH Đồng Nai”. Đi kèm với báo cáo này là danh sách 34 giảng viên, chuyên viên, trong đó có 8 Tiến sĩ, 1 Phó giáo sư - Tiến sĩ, 25 thạc sĩ.

Được biết hiện số giảng viên, chuyên viên này đều là đội ngũ cán bộ, giảng viên nòng cốt, chất lượng cao của nhà trường, hiện đang đảm nhận công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các bộ môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và Khoa tổng hợp của Trường ĐH Đồng Nai.

Khi biết thông tin báo cáo của nhà trường về “số lượng giảng viên, chuyên viên chưa bố trí việc làm của Trường ĐH Đồng Nai”, các Tiến sĩ, Thạc sĩ có tên trong danh sách trên đều bất ngờ và lo lắng, vì nếu như vậy, thì việc phải rồ khỏi trường chỉ là vấn đề thời gian. 

Theo một số giảng viên, họ không hay biết về báo cáo của trường. Chỉ đến khi UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ Đồng Nai chủ trì mời các Sở, ngành cùng “xử lý các nội dung liên quan đến nhân sự, giảng viên dôi dư đang công tác tại Trường ĐH Đồng Nai do không thể sắp xếp, phân công công tác tại các đơn vị”, thì thông tin mới được công khai.

“Việc lập danh sách này nhà trường tiến hành thực hiện nhưng cán bộ - giảng viên không ai biết thông tin, lãnh đạo các khoa, bộ môn, người lao động, đoàn thể, Phòng đào tạo của nhà trường cũng không biết. Tất cả chúng tôi đều bất ngờ. Chúng tôi đang đảm nhận giảng dạy, tại sao chúng tôi trở thành những người “chưa bố trí việc làm” được?”, một cán bộ - giảng viên chia sẻ.

Nhiều ngành học không tuyển được sinh viên

Theo tìm hiểu của Báo Kinh tế và Đô thị, ngày 26/1/2024, Trường ĐH Đồng Nai có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai, về số lượng giảng viên chưa bố trí việc làm của nhà trường. Theo đó, nhà trường nêu: Căn cứ phụ lục 1, Quy định số 31-QĐ/TU ngày 24/11/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng các biểu hiện cụ thể. Trong đó có mục “sử dụng lãng phí nguồn nhân lực”. Trên cơ sở đó, nhà trường báo cáo UBND tỉnh số lượng giảng viên chưa được bố trí việc, hoặc chưa đủ số tiết giảng dạy tại trường.

Theo đó, trường ĐH Đồng Nai có 17 đơn vị, trong đó có 6 phòng chức năng, 1 trung tâm, 2 trường trực thuộc, 8 khoa đào tạo với 16 chuyên ngành đào tạo ĐH. Tính đến đầu năm 2024, tổng số biên chế viên chức của nhà trường là trên 350 người. Số giảng viên 8 khoa của trường là trên 205 người (chiếm tỷ lệ 69%).

Trong những năm gần đây, một số ngành đào tạo trình độ ĐH tuyển sinh số lượng thấp, hoặc không tuyển sinh được. Cụ thể, trong năm 2023, các ngành sư phạm (lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học) và ngành khoa học môi trường, quản lý đất đai đều không tuyển được sinh viên. Hiện nay các ngành lịch sự, vật lý, hóa học, sinh học đang dừng tuyển sinh vì không có nhu cầu đào tạo.

Trong khi đó, hai ngành khoa học môi trường, quản lý đất đai đều không có giảng viên trình độ Tiến sĩ. Xét về quy mô đào tạo sinh viên hàng năm tại Trường ĐH Đồng Nai nhỏ hơn so với các trường ĐH khác trong tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh lân cạnh (như Bình Dương, Vũng Tàu). Trong khi đó, nhu cầu lao động kỹ thuật cao, trình độ tay nghề bậc cao tại địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh lân cạnh ngày càng tăng.

Trước thực trạng đó, Trường ĐH Đồng Nai nhận định rằng, nội lực của nhà trường còn thiếu giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên. Cơ sở vật chất phục vụ chuyên ngành mới chưa đảm bảo yêu cầu nên không mở được các mã ngành trình độ ĐH. Đồng thời, Trường ĐH Đồng Nai có vị trí gần với các trường ĐH trong khu vực (như ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh…), nên giảng viên có xu hướng dịch chuyển về TP Hồ Chí Minh, và việc thu hút sinh viên vào học là rất khó khăn.

Nguồn nhân sự cốt cán tại trường ĐH Đồng Nai, hiện số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ tại trường này chưa đạt đến 20% trên tổng số cán bộ - giảng viên. Điều này nếu nhà trường để một số Tiến sĩ rời khỏi nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy, thì khả năng đáp ứng quy định về mở ngành học mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn nhân sự cốt cán tại trường ĐH Đồng Nai, hiện số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ tại trường này chưa đạt đến 20% trên tổng số cán bộ - giảng viên. Điều này nếu nhà trường để một số Tiến sĩ rời khỏi nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy, thì khả năng đáp ứng quy định về mở ngành học mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Với thực trạng và nguyên nhân nêu trên, nhằm tránh sử dụng lãng phí nguồn nhân lực của Trường ĐH Đồng Nai, cụ thể có 34 giảng viên các ngành, trong thời gian tới có thể sẽ không bố trí được việc làm do không tuyển sinh được. Trường ĐH Đồng Nai đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, xem xét giải quyết về nguồn nhân sự giảng viên nêu trên, tránh lãng phí nguồn nhân lực theo tinh thần tại Quy định số 31-QĐ/TU ngày 24/11/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai”, báo cáo của nhà trường nêu rõ.

Cán bộ chuyên trách “nhầm”: 

Trao đổi với Báo Kinh tế và Đô thị, ông Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai xác nhận nhà trường có báo cáo về thực trạng có một số ngành học trong hai năm trở lại đây không tuyển được sinh viên, hoặc ngừng tuyển sinh. Cũng không có lớp học nào ghép lại để cho giảng viên dạy. Có một số giảng viên không còn lớp để giảng dạy. Trong khi các trường phổ thông hiện đang rất cần giáo viên.

“Chúng tôi phải báo cáo sự việc này, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Nếu sau này UBND tỉnh biết nhà trường đang dôi dư nhân sự không sử dụng mà không báo cho tỉnh biết để có hướng xử lý là không được. Mục đích báo cáo sự việc lên lãnh đạo tỉnh là để thể hiện trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn nhân lực nói chung, tránh lãng phí nguồn nhận lực”, ông Đức giải thích.

Theo ông Đức nói: “Cái dở của cán bộ chuyên môn khi lập danh sách phụ lục số lượng giảng viên đã không báo cho tôi biết. Trong đó liệt kê các giảng viên đang giảng dạy tại trường, chứ không phải là không bố trí được việc làm. Trong văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cũng nói rõ là trong thời gian tới có thể sẽ không bố trí được việc làm do không tuyển sinh được. Chứ chúng tôi không nói là chưa bố trí được việc làm”.

Trường ĐH Đồng Nai cho biết hiện đang xúc tiến mở các ngành mới, đào tạo bồi dưỡng các ngành phù hợp để đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy ngành xã hội có nhu cầu.
Trường ĐH Đồng Nai cho biết hiện đang xúc tiến mở các ngành mới, đào tạo bồi dưỡng các ngành phù hợp để đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy ngành xã hội có nhu cầu.

Ông Đức cũng cho biết, ngày hôm nay (25/2/2024) nhà trường yêu cầu Phòng tổ chức hành chính - quản trị làm văn bản gửi các phòng, khoa thông tin về văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai nói trên với mục tiêu là báo cáo thực trạng sử dụng giảng viên các ngành không tuyển sinh từ 2021 đến hết 2025 để UBND tỉnh Đồng Nai và các Sở ngành có định hướng hỗ trợ nhà trường thu hút thêm thí sinh, mở ngành mới, hoặc tạo cơ hội cho giảng viên chọn thêm nơi giảng dạy đang có nhu cầu.