Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Chuyển đổi số ngành y tế

TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo học và Chính sách công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, sau nhiều nỗ lực, Bộ Y tế được xếp thứ 4 về mức độ ứng dụng CNTT, xếp mức B về an toàn thông tin do Bộ TT&TT công bố.

Nhưng thực chất công cuộc chuyển đổi số của y tế Việt Nam trong những ngày chống dịch Covid-19 như thế nào?

Dùng chung 3 nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19

Nhưng công bằng mà nói do chính sách quản lý ngành của bộ Y tế không thống nhất và không có nguồn dữ liệu chung đang là rào cản lớn nhất cho việc xây dựng phần mềm ứng dụng và công cuộc chuyển đổi số cho ngành y tế. Do không liên thông, đồng bộ dữ liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh và Sở Y tế, Bộ Y tế nên đã xảy ra trường hợp đi khám bảo hiểm những 27 lần/1 tháng. Các xét nghiệm cho bệnh nhân của bệnh viện không được dùng chung…
 Ứng dụng công nghệ trong điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thực chất, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế vẫn đang trong tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, điều này đã khiến cho các cơ sở y tế gặp khó khăn trong cuộc chiến Covid-19. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng chỉ có một số ít địa phương quan tâm, xem đây là việc cần làm ngay. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, mới đây hình ảnh hàng nghìn người dân chen chúc nhau chờ xét nghiệm, tiêm vaccine cũng minh chứng cho thấy việc thành phố chưa chủ động ứng dụng CNTT trong quản trị y tế khi triển khai chống dịch Covid-19.

Điều may mắn, mới đây Chính phủ đã cương quyết chỉ đạo các tỉnh, thành phải dùng chung toàn quốc 3 nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19. Đó là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Dữ liệu từ các nền tảng sẽ được Bộ Y tế chủ trì, cung cấp quyền khai thác cho các đơn vị y tế ngành, y tế địa phương và các đơn vị liên quan sử dụng theo quy định của Bộ Y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Điểm mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp lần này là xuất hiện thêm thành phần Tổ công nghệ. Nhiệm vụ của Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 địa phương là tham mưu, triển khai, áp dụng các giải pháp công nghệ để chống dịch trên địa bàn. Tổ Công nghệ cũng là đầu mối phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và các cơ quan, tổ chức, DN công nghệ liên quan để triển khai các giải pháp công nghệ phòng chống Covid-19. Tài liệu hướng dẫn triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19 tại trang: https://covid19.tech.gov.vn để mọi cá nhân, đơn vị có thể xem và triển khai ứng dụng.

Với nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code, các địa phương cần áp dụng việc đăng ký, quét mã QR tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn để bảo đảm kiểm soát người ra vào địa điểm, phục vụ truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, Trung tâm công nghệ Covid-19 triển khai giải pháp để thực hiện việc trả kết quả xét nghiệm qua các phương tiện CNTT, hạn chế đến mức tối đa việc người dân quay lại cơ sở y tế để nhận kết quả xét nghiệm.

Với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, áp dụng trong quá trình xây dựng, thực hiện Kế hoạch chi tiết triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức khi đăng ký và thực hiện tiêm.

Tận dụng mọi nguồn lực

Đây là hướng đi không mới, phần lớn các nước phát triển trên thế giới đều đã có những ứng dụng tương tự trong cuộc chiến với Covid-19. Để triển khai nhanh chóng, đồng bộ và chất lượng nhiệm vụ này Cục Tin học hóa, đơn vị thường trực của Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia, là cơ quan được Bộ TT&TT giao làm đơn vị đầu mối phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai những nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19. Vấn đề lúc này là làm thế nào để trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể lựa chọn được nền tảng tốt để cả nước dùng chung khi biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên khi quét mã QR tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn người dân vẫn gặp không ít khó khăn. Phần mềm còn không nhận biết được cá nhân khai báo đang ở đâu, sẽ gặp rắc rối nếu vị trí chưa có số nhà, tên gọi chính thức. Mỗi lần quét QR code thì nó không nhận được số điện thoại mặc dù quét đến cả chục lần. Quy định mỗi lần khai chỉ có giá trị 2 ngày nhưng sau 2 ngày chưa chắc tờ khai đã được đưa vào hệ thống, các lựa chọn thì lủng củng, thanh bar thì bé.

Ngay như về nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến Việt Nam đã có Công ty CP CNTT Việt Nam với các phần mềm y tế nổi tiếng HISLink, LABLinhk, DROC, LIS; PACS/RIS, HR/Salary, PhIS… LABLink của Vietba IT từng được giải Nhì “Nhân tài đất Việt” từ 2008 và nâng cấp thành CDCLink đang được Hà Tĩnh, Hải Phòng triển khai rất tốt. CLB Bóng đá Hải Phòng đã bỏ ra 200 triệu đồng mua tặng phần mềm CDCLink cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng triển khai hệ thống nhằm chia sẻ dữ liệu với các đơn vị xét nghiệm có tham gia lấy mẫu và xét nghiệm tại cộng đồng, giúp sàng lọc nhanh, phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn lây lan và dập dịch kịp.

Phần mềm CDCLink đang có nhiều đặc tính tốt như: Vào số liệu nhanh tại hiện trường (khoảng 3s/ mẫu) không phải nhập liệu khi mang mẫu về phòng xét nghiệm; Phân lô xét nghiệm thuận tiện theo yêu cầu xét nghiệm gộp; Ghép lô với nhau theo yêu cầu xét nghiệm gộp (đỡ tốn kém); Tìm kiếm và lọc dữ liệu nhanh theo yêu cầu các nhà quản lý; Trả, in kết quả theo lô, quản lý đơn vị gửi mẫu, loại bệnh và trả cho từng bệnh nhân qua điện thoại; Kết nối với máy xét nghiệm để trả kết quả tự động một chiều hay 2 chiều; có thể xem trực tuyến các KPI trên Dashboard (đang hoàn thiện) ở bất cứ đâu khi nào.

Ngoài 3 nền tảng công nghệ tập trung dùng chung thì khi chúng ta chuyển hướng chiến lược cho cách ly F0, F1 tại nhà thì cũng rất cần những công cụ để quản lý. Thực tế, tại làn sóng dịch Covid-19 lần này của Việt Nam, đặc biệt tại điểm nóng TP Hồ Chí Minh, người ta đã ứng dụng các thành tựu mới CNTT 4.0. Cổng thông tin Covid-19 TP Hồ Chí Minh (https://covid.tphcm.gov.vn) tích hợp thông tin từ các kênh của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Sở Y tế TP, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các thông tin, dữ liệu, báo cáo từ nhiều cơ quan khác. Điều này giúp cho người dân dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin về dịch bệnh.

Cổng thông tin của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tích hợp và cung cấp các thông tin sau: hướng dẫn y tế, văn bản điều hành, thông tin tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại TP; bản đồ Covid-19 thành phố; bản đồ phân tích nguy cơ của Ban chỉ đạo quốc gia tại thành phố; tiến độ tiêm vaccine, có cả mục để người dân góp ý, hiến kế. Các thông tin này được cập nhật liên tục từng ngày và trình bày trực quan trên bản đồ thành phố, chi tiết đến từng quận huyện, đơn giản, dễ nhìn phù hợp với nhiều đối tượng.

Kể từ ngày 30/7/2021, TP Hồ Chí Minh, đã dùng 30 robot trí tuệ nhân tạo (All) Cổng thông tin 1022 (tiếp nhận thông tin 12 lĩnh vực), trong đó có kênh 2 là kênh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do Covid-19. Hiện 30 robot đã đảm nhận xử lý khoảng 60% khối lượng công việc, khoảng 12.000 cuộc gọi trong một tháng. Thời gian tới, để nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý cuộc gọi, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tăng số lượng robot AI lên đến 300.
Công cuộc chống dịch Covid-19 còn dài, đã đến lúc ngành Y tế phải tính cách giảm tải cho các cơ sở y tế bằng các ứng dụng CNTT. Hiện nay, bệnh viện công ở Việt Nam được chia thành ba cấp T.Ư (47 bệnh viện); cấp tỉnh (419 bệnh viện) và cấp huyện (684 bệnh viện). Cả nước còn có 182 bệnh viện tư, hầu hết nằm ở khu vực thành thị. Ngoại trừ các bệnh viện tư đang là "thê đội 2" cho cuộc chiến Covid-19, các bệnh viện công đều đang lâm vào tình trạng quá tải, điều này càng đòi hỏi đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số.