[Xu hướng] Mỹ đang khởi động cuộc chạy đua xe điện vĩ đại

Mi Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đường ống thoát khí của Mỹ đã đóng một vai trò to lớn trong quá trình nóng lên toàn cầu. Vào năm 2019, giao thông vận tải chiếm 29% lượng khí thải do con người tạo ra tại quốc gia này. Mỹ là quốc gia phát thải carbon lớn thứ hai trên thế giới.

Chính quyền Mỹ đang muốn xóa bỏ “danh tiếng” của ngành giao thông vận tải và đưa Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất xe điện.

Xe điện ngày càng phổ thông và thương mại hóa

Hiện tại, xe điện (EV) vẫn chưa được phổ biến tại Mỹ. Năm 2020, chỉ khoảng 2% xe điện bán ra ở Mỹ. Colin McKerracher, người đứng đầu bộ phận vận tải tiên tiến tại BloombergNEF, cho biết: “Có vẻ như, chúng ta phải đạt đến khoảng 5% doanh số bán hàng mới khiến cho xe điện thực sự bắt đầu khởi sắc” - khi EV chuyển đổi từ mơ tưởng chuyển sang phổ biến. Các chuyên gia cho rằng chính sách của chính phủ có thể thúc đẩy thị trường tiêu dùng vươn đến cột mốc thị trường đó.

Thật vậy, nhiều quốc gia khác đã vượt xa Mỹ trong cuộc chạy đua xe điện. Ví dụ, ở Na Uy, chính phủ đã xây dựng một cơ sở hạ tầng thu phí khổng lồ cũng như trợ cấp chỗ đậu xe miễn phí cho chủ sở hữu xe điện ở nhiều nơi trên đất nước, đồng thời miễn cho người lái xe EV một số loại thuế và phí đường bộ. Đó có thể là một phần lý do khiến 54% ô tô mới được bán ra vào năm 2020 ở Na Uy là xe điện.

Tương tự, ở Trung Quốc, các khoản trợ cấp của chính phủ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu phí đã dẫn đến một thị trường cạnh tranh và mạnh mẽ, với hơn 400 nhà sản xuất ô tô sản xuất xe điện cho người lái xe trên khắp thế giới.

Sản xuất xe ô tô điện trong nhà máy của hãng Tesla tại Mỹ.
Mỹ còn một chặng đường dài

Trong kế hoạch đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2,65 nghìn tỷ đô la của chính quyền Biden, 174 tỷ đô la sẽ được phân bổ để phát triển ngành công nghiệp xe điện của Mỹ và kêu gọi lắp đặt 500.000 cổng sạc để các tài xe có thể tiếp cận công khai, chiết khấu tại điểm bán hàng cho người tiêu dùng và điện khí hóa đội xe liên bang - 650.000 xe thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ.

Nhưng tham vọng của Chính phủ Mỹ đang đi kèm với thách thức. Đầu tiên, Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, kêu gọi các phương tiện thay thế đội xe điện phải được “sản xuất và cung cấp bởi các công nhân công đoàn ngay tại Mỹ”, nhưng hiện tại, không có xe điện nào phù hợp với nhu cầu đó. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể thay đổi trong tương lai gần. Ví dụ, General Motors, đã bày tỏ sự quan tâm đến các hợp đồng liên bang, đầu năm 2021 đã thông báo rằng họ sẽ ngừng sản xuất xe chạy bằng khí đốt vào năm 2035 và sẽ giới thiệu 30 mẫu xe điện mới trong vòng 5 năm tới. Và để sản xuất những chiếc xe điện đó, công ty muốn chuyển đổi chuỗi cung ứng của mình. Gerald Johnson, Phó Chủ tịch Điều hành Sản xuất Toàn cầu của GM, cho biết: “Việc tự sản xuất pin, các sản phẩm lưu trữ điện, cũng như lắp ráp pin cho phép tất cả các yếu tố quan trọng của chuỗi cung ứng sẽ được thực hiện ngay tại Mỹ.”
Gói cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ có thể phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng nó báo hiệu một cách rõ ràng và không biện hộ rằng xe điện là chính sách ưu tiên của liên bang và điều đó có thể có những tác động đáng kể đối với xu hướng của ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, từ quá khứ ngột ngạt khí thải sang một tương lai chạy bằng pin.

Bất chấp Covid-19, các nước ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục đầu tư vào xe điện. Tại Indonesia, ngành công nghiệp xe điện là nguồn thu hút chủ yếu khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2020. Bên cạnh đó, trữ lượng niken (kim loại trong chế tạo pin) tại Indonesia chiếm 23% toàn cầu. Tesla đang trong những bước cuối cùng để đầu tư một nhà máy sản xuất pin ôtô điện, tận dụng nguồn niken ở đây. Chính phủ Indonesia còn ký kết với tập đoàn LG đầu tư dự án sản xuất pin lithium cho xe điện… Nissan cũng có kế hoạch đầu tư vào Thái Lan thành một trung tâm sản xuất xe điện tại Đông Nam Á.

25% dân số đô thị có chính sách năng lượng tái tạo

Báo cáo Hiện trạng Toàn cầu về Năng lượng Tái tạo ở các TP năm 2021 của REN21 (Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo toàn cầu đa phương) cho thấy hơn 1 tỷ người - khoảng 25% dân số đô thị - sống trong một thành phố có mục tiêu và/hoặc chính sách về năng lượng tái tạo.

Chính quyền các thành phố trên khắp thế giới đang ngày càng sử dụng năng lượng tái tạo để giúp chống lại thiếu hụt năng lượng, giảm ô nhiễm không khí, giải quyết biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe cộng đồng và phúc lợi. Họ đã lắp đặt, mua và ký hợp đồng năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu của các tòa nhà và đội xe. Thông qua các mục tiêu năng lượng tái tạo và thực hiện các chính sách, người dân được khuyến khích sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo tại địa phương. Các dự án năng lượng cộng đồng đô thị được hỗ trợ và tạo điều kiện hợp tác giữa các bên liên quan.

Các cam kết hỗ trợ trực tiếp năng lượng tái tạo của các đô thị ngày càng tăng. Riêng trong năm 2020, hơn 260 thành phố đặt mục tiêu năng lượng tái tạo mới hoặc thông qua chính sách mới. Tính đến cuối năm, hơn 830 thành phố ở 72 quốc gia đã thông qua các mục tiêu về năng lượng tái tạo. Hơn 600 thành phố trên toàn thế giới có mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Các thành phố cũng đã thực hiện giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2020, hơn 10.500 thành phố đã thông qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đó là mức tăng gấp 8 lần so với các cam kết như vậy trong năm 2019.

Trong khi năng lượng tái tạo đã phát triển khá ngoạn mục trong ngành điện, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống sưởi ấm/làm mát và giao thông vẫn ở mức thấp (tương ứng khoảng 10% và 3%). Trong khi cùng với nhau, các lĩnh vực này chiếm hơn 80% nhu cầu năng lượng trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, giới chuyên môn và người tham gia giao thông cũng đã chứng kiến những mẫu xe điện đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 2021. Theo các chuyên gia của Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, giao thông bao gồm xe máy là nguồn phát thải gây ô nhiễm chính tại các đô thị. Việt Nam đang đứng thứ tư về số lượng xe máy, đặc biệt 2 TP lớn Hà Nội (4,5 triệu) và TP Hồ Chí Minh (7 triệu xe). Giao thông công cộng chưa phát triển, việc sử dụng xăng sinh học còn gặp nhiều khó khăn.

Xe điện không phát thải trực tiếp ra môi trường các khí độc hại (CO, HC, NOX…) gây ảnh hưởng đến sức khỏe như xe lắp động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, khi chuyển sang sử dụng xe điện, có lẽ chúng ta còn cần chú ý giải quyết hai vấn đề cơ bản là an toàn về cháy nổ và xử lý rác thải ắc quy, pin thải đi.q

Chuyển dịch sang xe chạy điện là xu hướng tất yếu và khả dĩ nhất trong bảo vệ môi trường sống của chính mình và cộng đồng. Về lâu dài, sử dụng xe điện cũng bền vững hơn xe xăng dầu do công nghệ điện sạch từ mặt trời, gió... ngày càng phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần