Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý gian lận trong thi cử: Minh bạch để công bằng

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hàng loạt các vụ gian lận thi cử được đưa ra ánh sáng, dư luận mong mỏi các cơ quan và ngành giáo dục cần có sự minh bạch về trách nhiệm đối với người có liên quan để lấy lại niềm tin của người dân về một nền giáo dục công bằng, không tiêu cực. Bởi trong các kỳ thi sắp tới công nghệ sẽ đưa vào để giám sát toàn bộ quá trình chấm thi và lưu trữ bài thi, song tất cả sẽ chỉ là hình thức nếu thiếu sự quyết tâm bài trừ gian lận của các nhà giáo.

Cơ quan An ninh điều tra đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối tượng trong vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang. Ảnh: An Bình
Nhiều thí sinh bị buộc thôi học
28 trong tổng số 64 thí sinh liên quan tới gian lận thi cử ở Hòa Bình đã trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy đã bị Bộ Công an buộc thôi học. Một học sinh trúng tuyển thuộc top 3 của trường Đại học Y Hà Nội được xác định liên quan đến vụ gian lận trong thi cử tại Sơn La. Số điểm xét tuyển của thí sinh này được nâng lên tới 15,3 điểm so với điểm thực tế. Sáng 11/4, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Y Hà Nội Lê Đình Tùng cho biết, các trường hợp gian lận thi cử sẽ phải hủy kết quả thi và buộc thôi học. Nhà trường sẽ căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra để có hình thức xử lý theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhà trường đang băn khoăn trong việc xử lý bởi có thể xảy ra trường hợp thí sinh có điểm thuộc tổ hợp môn xét tuyển vào trường trùng khớp với điểm chấm thẩm định, chỉ có một số môn xét tốt nghiệp bị thay đổi.
Trong vụ gian lận điểm thi, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Đây là những người trực tiếp thực hiện việc sửa và nâng điểm cho thí sinh. Nhưng việc chỉ khởi tố những người này mà chưa khởi tố những người hưởng lợi hoặc đưa ra yêu cầu sửa điểm là chưa thỏa đáng. Trong trường hợp chứng minh được người nhà thí sinh dùng tiền để mua chuộc người làm nhiệm vụ chấm thi sửa chữa đáp án, thêm vào bài làm của thí sinh, thì những cá nhân liên quan có dấu hiệu của tội đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Đoàn Luật sư Hà Nội

Từ sự việc này, không ít người trăn trở về những trường hợp gian lận nâng điểm để được lọt vào những trường danh giá của ngành y và công an. Nếu không điều tra, không làm rõ đến cùng thì những thí sinh gian lận vẫn sẽ tiếp tục được đào tạo với cái đầu “rỗng” và sẽ cho ra những sản phẩm không thực chất, không đủ tiêu chuẩn đầu vào. Một bác sĩ công tác lâu năm trong ngành y chia sẻ, bác sĩ là nghề liên quan đến tính mạng của con người nên ngay cả đầu vào và đầu ra đều phải đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, sau Hòa Bình, dư luận lại tiếp tục chờ đợi hình thức xử lý của các trường đại học, học viện với các thí sinh liên quan đến gian lận thi cử tại Sơn La và Hà Giang để trả lại sự đảm bảo tính công bằng, khách quan.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chia sẻ, đây là một bài học đau xót cho các em. Ở khía cạnh khác, câu chuyện người “mua điểm”, người “bán điểm” được dư luận quan tâm trong việc có nên công bố danh tính của “người mua” hay không. Một số ý kiến cho rằng cần phải công bố danh tính của các thí sinh và phụ huynh liên quan đến gian lận thi cử. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh, việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Dân sự cũng như những quy định của cơ quan điều tra. Việc này cần tính đến nhiều yếu tố khác, trong đó không thể không tính đến những tác động cực đoan đến học sinh.

Minh bạch trong các kỳ thi tới

Theo ông Mai Văn Trinh, năm nay sẽ có camera an ninh giám sát phòng bảo quản đề thi 24/24 giờ. Ngoài ra, khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày. Nếu như năm 2018, việc chấm thi THPT quốc gia được giao cho địa phương, thì từ năm 2019, việc này được giao cho các trường đại học (ĐH) chủ trì. Trường ĐH được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cử người để Giám đốc Sở GD&ĐT ra Quyết định thành lập Ban Chấm thi trắc nghiệm, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia. Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm, điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi...

Tuy nhiên, ông Trinh nhấn mạnh, trong phòng chống gian lận thi cử, các yếu tố công nghệ, giám sát sẽ chỉ là một phần nếu không có ý thức trách nhiệm của con người. “Giáo dục phải được xây dựng dựa trên nguyên lý căn bản là cơ sở niềm tin. Một điều lưu ý nữa là niềm tin phải đúng chỗ, cần không gian quản lý và triệt để ứng dụng công nghệ. Cho nên giải pháp căn bản và căn cơ là phải xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý” - ông Trinh nhấn mạnh.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, không có vùng cấm của ngành công an và ngành giáo dục, những đối tượng liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Sự việc càng được làm sáng tỏ sẽ càng góp phần trả lại niềm tin và sự công bằng với hàng triệu thí sinh và gia đình, tạo hiệu ứng tích cực đảm bảo cho kỳ thi THPT năm nay diễn ra an toàn minh bạch trên phạm vi toàn quốc.