Theo ĐB Nghiêm Vũ Khải (đoàn Hải Phòng), hoạt động kiến trúc là đặc thù, vừa phát triển kinh tế vừa là sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hình thành văn hóa của đất nước. Cho nên cần bổ sung chính sách của Nhà nước về hoạt động kiến trúc như tuân thủ quy chuẩn quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đảm bảo an toàn hài hòa với thiên nhiên, đất đai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quản lý kiến trúc phải khoa học, bền vững, điều chỉnh quy hoạch quy chế thường xuyên sẽ làm mất tính ổn định. Do đó, phân cấp quy chế quản lý kiến trúc loại 1, 2, 3, 4 do UBND cấp tỉnh, thành duyệt phê chuẩn, còn những công trình quốc gia, quản lý kiến trúc phải do Thủ tướng phê duyệt.Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) lại cho rằng, quy chế quản lý kiến trúc cho phép UBND các tỉnh và huyện phê duyệt theo phân cấp sẽ tạo ra hàng trăm quy chế quản lý kiến trúc khác nhau, chưa kể quy chế còn phải đợi Chính phủ phê duyệt thông qua Bộ Xây dựng. Như vậy sẽ gây khó cho kiến trúc sư hành nghề, vì làm sao biết hàng trăm quy chế khác nhau. Do đó chỉ nên có một quy chế kiến trúc chung, trong đó phân theo đô thị, nông thôn, trung du miền núi ở Bắc - Trung - Nam.Lưu ý đến việc giữ gìn bản sắc kiến trúc, ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về kiến trúc, bảo vệ các công trình kiến trúc, đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề cho phát triển kiến trúc hiện nay. ĐB đề xuất, đối với các công trình kiến trúc quan trọng cần thi tuyển kiến trúc sư, có tiêu chí với các công trình kiến trúc đặc thù và phải có hội đồng tuyển chọn vì kiến trúc là công trình nghệ thuật và khoa học.Có ý kiến đề nghị, Dự Luật cần quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc để các công trình khi được quy hoạch, thiết kế phải mang bản sắc dân tộc, nét riêng của Việt Nam chứ không thể mỗi nơi một kiểu như hiện nay. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) góp ý, công trình kiến trúc văn hóa lịch sử phải giữ gìn, phù hợp với văn hóa Việt Nam, còn các công trình khác chỉ cần phù hợp với văn hóa địa phương.