Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Năm 2014, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được nâng cao và chuyển biến mạnh; vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nhất là Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng,  Công an, Quản lý thị trường… được đề cao và đặc biệt kết quả đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý đạt hiệu quả cao hơn những năm trước (xử lý trên 206 nghìn vụ vi phạm, tăng 12,1% so với năm 2013; nộp ngân sách tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2013; khởi tố 2.081 vụ với 2.275 đối tượng liên quan).

Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn “tinh vi”, quy mô ngày càng lớn, diễn ra trên phạm vi rộng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình, chấn chỉnh, xử lý đối với những tập thể và cá nhân chưa làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động người dân “nói không với hàng lậu” và hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó từng bước xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành, nhất là các chính sách về thương mại biên giới, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan… tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống buôn lậu

Các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, điều chuyển, bố trí người khác thay thế nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả nghiêm trọng hoặc kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm chia sẻ thông tin để nắm chắc tình hình, đảm bảo công tác này thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, nhất là trong đấu tranh, triệt phá các “đường dây, ổ nhóm” buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức.