Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý lái xe sử dụng rượu, bia: Thuốc đắng chưa dã được tật

Bảo Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông luôn được Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, vào những ngày trước và sau nghỉ lễ kéo dài, tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn khá phức tạp.

 Lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Theo khảo sát của Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia. Ngoài tổn thất về người, TNGT có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam cũng gây thiệt hại nặng đến kinh tế, khi mỗi ngày “bay hơi” 250 tỷ đồng và 2,9% GDP/năm. Thế nhưng, thuốc đắng vẫn không dã được tật, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến.

Ngày 28/2, có mặt cùng tổ công tác của Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ (quận Đống Đa). Ghi nhận chỉ trong vòng 30 phút, các lực lượng chức năng đã phát hiện cả chục trường hợp sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Trong đó, có trường hợp nồng độ cồn cao gần gấp đôi ngưỡng bị xử phạt (0,25miligam/lít khí thở).
Điều đáng nói, nhiều trường trường hợp khi bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý đều cho rằng, mình vẫn tỉnh táo. Thậm chí, không ít trường hợp “mặt đỏ như gấc”, “miệng sặc mùi” khi kiểm tra phát hiện nồng độ cồn vượt quá mức cho phép lại cho rằng máy đo có vấn đề. Tuy nhiên, đối với những trường hợp trên, lực lượng CSGT đã giải thích và xử lý theo đúng quy định.

Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Hải Anh – Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, từ khi Nghị định 46 có hiệu lực cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những người “uống có trách nhiệm” vẫn còn không ít trường hợp lạm dụng rượu, bia một cách quá mức.

Trung úy Nguyễn Hải Anh cho biết thêm, so với các hành vi khác, việc xử lý hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông khó khăn hơn rất nhiều. Bởi phần lớn người vi phạm khi bị xử lý liên quan đến nồng độ cồn đã có dấu hiệu không kiểm soát bản thân.

Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, sau Tết là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội, tình trạng sử dụng rượu, bia diễn ra hết sức phức tạp. Do đó, các Đội CSGT địa bàn bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý mạnh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo quy định, tập trung vào các khung giờ từ 11 - 14 giờ và từ 16 - 21 giờ hàng ngày để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, đây chỉ là những biện pháp ngăn ngừa, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do TNGT nói chung và tai nạn liên quan đến rượu, bia mỗi người dân cần phải tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng