Cụ thể 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra gồm: Mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đệm mút, đá nhân tạo, gạch men, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các mặt hàng lốp xe, xe đạp điện xuất khẩu sang cả Mỹ và EU.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trong năm 2021, nhóm hàng đồ nội thất, các mặt hàng như bộ phận đồ gỗ, nội thất phòng bếp (tủ bếp, tủ nhà tắm), nội thất phòng ngủ, nội thất bằng gỗ khác, có mức tăng trưởng nhanh. Riêng đối với mặt hàng tủ bếp, đang được các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hướng mở rộng mạng lưới sản xuất và xuất khẩu nhằm chiếm lĩnh thị phần Mỹ, bởi thị trường này có quy mô lên đến 5-7 tỷ USD/năm. Dù xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng mạnh, nhưng ẩn chứa rủi ro gian lận xuất xứ với sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp trong nước là hết sức quan trọng. Phải chấp hành nghiêm pháp luật, quy định thương mại song phương, không tiếp tay cho những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ Việt Nam .
Bởi mới đây, vào tháng 7/2021, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh nghĩa vụ nộp thuế phòng vệ thương mại, và áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tủ gỗ nội thất nhập khẩu từ một số công ty của Việt Nam.Theo Tổng cục Hải quan, có 2 hình thức gian lận chính mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc đang lợi dụng để lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường lớn, trong đó có Mỹ. Cụ thể là nhập khẩu gỗ ván bóc, ván dán nhưng sau đó lấy xuất xứ Việt Nam để xuất đi. Doanh nghiệp hầu như không làm gì nhiều trên công đoạn từ nguyên liệu thành sản phẩm xuất đi. Như vậy là không đáp ứng xuất xứ Việt Nam . Thời gian qua, cơ quan hải quan đã nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn từ gia tăng kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Trung Quốc, đồng thời gia tăng xuất khẩu gỗ đi Mỹ từ năm 2018.
Cơ quan hải quan có rất nhiều biện pháp mạnh để xử lý các đơn vị vi phạm như ban hành nhiều kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình triển khai, cơ quan hải quan còn có sự phối hợp chặt chẽ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Cơ quan hải quan đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với các DN, hiệp hội từ rất lâu. Từ năm 2018 khi vấn đề rủi ro gian lận thương mại với sản phẩm gỗ nổi lên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã rất tích cực cung cấp các thông tin nghi ngờ liên quan đến gian lận, vi phạm, từ đó cơ quan chức năng có thể đưa ra biện pháp quản lý tương ứng với mặt hàng, doanh nghiệp.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.