Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý như thế nào với những tài xế chống đối, né tránh kiểm tra nồng độ cồn?

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu ngày 15/3, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã triển khai Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Tuy nhiên, nhiều tài xế vi phạm đã sử dụng nhiều “chiêu trò” từ khóa xe bỏ đi, xin xỏ… thậm chí còn bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.

Sẵn sàng bỏ chạy
Mới đây, tại ngã tư Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) tổ chức lập chốt kiểm tra nồng độ cồn. Trong lúc làm việc, tổ công tác phát hiện hai người đàn ông điều khiển xe mô tô Honda không đội mũ bảo hiểm, nhưng khi vừa nhìn thấy lực lượng chức năng thì đã quay đầu xe bỏ chạy. 
Tổ công tác đã dừng được phương tiện để phòng ngừa tai nạn. Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện, kết quả đo là 0,291 mg/ lít khí thở. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP tài xế sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 4 - 5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước GPLX từ 16 đến 18 tháng.
Theo Luật sư Dương Đức Thắng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ cần phải xử lý thật đích đáng để răn đe.
Bên cạnh các “chiêu trò” nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, trong những ngày gần đây còn xuất hiện trường hợp bỏ chạy không chấp hành theo hiệu lệnh của người thi hành công vụ. Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Đã xảy ra nhiều vụ việc, đó là khi thấy lực lượng chức năng liền lập tức bỏ chạy, quay đầu đi ngược chiều dẫn đến tai nạn.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Luật sư Dương Đức Thắng - Phó Giám đốc Công ty Luật Myway, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi lái xe chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ khi tham gia giao thông trong thời gian gần đây, gây bức xúc cho người tham gia giao thông cần xử lý thật đích đáng mới đủ giáo dục, răn đe người vi phạm.
"Đây không đơn thuần là thiếu văn hóa giao thông mà là ý thức không tuân thủ, coi thường pháp luật của người vi phạm" - Luật sự Dương Đức Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, Luật sư Dương Đức Thắng cũng cho biết, các hành vi như đe dọa, dùng vũ lực với lực lượng chức năng (CSGT, Thanh tra GTVT) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức phạt cao nhất là 7 năm tù.
Đặc biệt, luật sư cũng nhấn mạnh, trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết người thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Chương XIV Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Giải pháp nào để chấm dứt "ma men"?
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP tuy có nâng mức xử phạt lên cao khiến ý thức người dân khi lái xe có sự thay đổi tích cực. Nhưng để ngăn chặn tình trạng "ma men" cầm lái được nhiều người ví như “tội ác” thì ngoài những quy định và biện pháp nghiêm khắc, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành.
Tại Thái Lan, các DN sản xuất rượu bia bị đánh thuế rất cao.
Đơn cử, trong một lần hiếm hoi phóng viên được tác nghiệp tại Thái Lan, theo tìm hiểu, xứ sở chùa Vàng đã ban hành Luật Say rượu lái xe sửa đổi, trong đó những tài xế nào đang lưu thông phương tiện trên đường, từ chối việc đo nồng độ cồn sẽ bị coi là say xỉn trong lúc lái xe và bị truy tố ra trước cơ quan pháp luật. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng và phải chịu án tù.
Luật Say rượu lái xe sửa đổi cũng cho phép cảnh sát Thái Lan được chặn xe trong một số tình huống đặc biệt hoặc có bằng chứng lái xe đang say xỉn hay uống quá nhiều rượu bia. Cảnh sát có quyền yêu cầu tài xế mở cửa kính ô tô để đo nồng độ cồn trong cơ thể, thậm chí yêu cầu tài xế đi bộ để kiểm tra có thật sự tỉnh táo hay không. 
Trường hợp tài xế lái xe ô tô không tuân thủ hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn, người vi phạm sẽ bị bắt ngay và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Cụ thể, mức phạt dành cho người từ chối đo nồng độ cồn có thể bị phạt tiền 10.000 đến 20.000 baht (tương đương từ 300 đến 600 USD) hoặc một năm tù.
Bên cạnh đó, ngoài chế tài xử phạt, “công cụ” là rượu, bia cũng bị đánh thuế một cách nghiêm ngặt, có phần “khắc nghiệt”. Người dân sinh sống tại Thái Lan cho biết, các DN sản xuất bia rượu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là 100% và nộp cho cơ quan thuế Nhà nước. Điều này khiến các sản phẩm được bán ra với giá rất cao, ví dụ từ 110 Bath có khi đến hơn 300 Bath cho một chai bia (tương đương từ 120.000 - 300.000 đồng).
Vì thế, theo các chuyên gia, phòng ngừa tác hại rượu bia hiệu quả ngoài chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Cùng với đó, cần xem xét tăng giá và kiểm soát nghiêm ngặt rượu bia lậu; các loại quảng cáo, khuyến mại và tài trợ.