Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và có thể kết thúc vào ngày 1/7/2022 tùy theo Quốc hội quyết định. Về giới hạn thời gian xử lý nợ xấu kết toán đến 31/12/2016. Đại biểu Nguyễn Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), phát biểu, như vậy sau 5 năm nghị quyết này hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nợ xấu luôn đồng hành ở bất kì nền kinh tế nào vì vậy không thể xử lý một lần dứt điểm là xong. Như vậy đồng nghĩa với việc cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để có căn cứ xử lý các vấn đề liên quan đến nợ xấu phát sinh trong tương lai. Vì mục tiêu Quốc hội đưa ra là từ nay đến năm 2020 phải đưa nợ xấu xuống dưới 3% đối với các TCTD. Trong khi đó, theo báo cáo của NHNN thì tỉ lệ nợ xấu và các khoản có nguy cơ trở thành nợ xấu là khoảng 10,8%.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đoàn Hà Giang nêu quan điểm: “Nếu nghị quyết đưa ra nhằm hóa giải nhanh hơn điểm nghẽn lớn của nền kinh tế là đúng và tốt vì sao lại không áp cho tất cả các khoản nợ xấu?” Vẫn theo đại biểu Hải, quy định hạn chế thời gian xử lý nợ xấu nhằm tránh tổ chức tín dụng lạm dụng các biện pháp đặc biệt trong nghị quyết, tuy nhiên không dễ biến nợ không xấu thành nợ xấu vì quy định rất nghiêm ngặt. Theo đại biểu này, nợ từ nhóm 2 trở lên, các TCTD đã phải trích lập dự phòng rủi ro và việc trích lập dự phòng rủi ro đương nhiên sẽ giảm lợi nhuận của ngân hàng. Hơn nữa, nếu tỉ lệ nợ xấu cao ngân hàng sẽ bị vào diện kiểm soát đặc biệt do đó trên thực tế các TCTD sẽ không có động lực chuyển nợ bình thường sang nợ xấu để được quyền ưu đãi của nghị quyết. “Tôi cho rằng không ai muốn ốm để được uống thuốc”- đại biểu Hải nhận xét.
Với những phân tích trên, theo các đại biểu, cơ chế hỗ trợ xử lý nợ xấu cần áp dụng chung cho tất cả các khoản nợ xấu, không phân biệt về thời điểm, và áp cho đến khi nghị quyết hết hiệu lực. Song song với đó cần có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu do không chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời với biện pháp xử lý nợ xấu, tất cả các sai phạm cần được xử lý minh bạch và xử lý trách nhiệm nếu không có biện pháp phòng ngừa nợ xấu.
“Về cơ chế báo cáo, Nghị quyết đặt ra sau 5 năm thực hiện Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tôi đề nghị cùng với báo cáo kinh tế xã hội hàng năm thì Chính phủ cũng cần đưa nội dung báo cáo về quá trình thực hiện, những thuận lợi và những khó khăn vướng mắc trong giải quyết nợ xấu để từ đó có những biện pháp xử lý vướng mắc”, đại biểu Mai bổ sung.