Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, xử lý nợ xấu trước hết và chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Nhà nước chỉ tạo cơ chế và hỗ trợ chính sách chứ không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu.
Tiếp tục áp trần lãi suất huy động
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 8,91%. Trong đó, tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%... Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những kết quả này thể hiện sự nỗ lực lớn của NHNN. Đặc biệt, việc dư nợ cho nông nghiệp tăng mạnh, giúp ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế trong khó khăn.
Năm 2013, Thủ tướng yêu cầu NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tìm cách đưa vốn đến doanh nghiệp, người dân, tập trung nhất vào khu vực nông nghiệp - nông thôn.
Nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Maritime bank. Ảnh: Hải Linh
Về định hướng điều hành tiền tệ năm 2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ quan này sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Trần lãi suất tiền gửi VNĐ cũng sẽ tiếp tục được NHNN áp dụng để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường và xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện vững .
Xử lý nợ xấu trước hết là việc của ngân hàng
Đến nay, NHNN đã trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại của 8/9 ngân hàng yếu kém. Đối với một ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang thẩm định phương án do ngân hàng này đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Trên cơ sở phương án đã được phê duyệt, 3 ngân hàng đã tiến hành hợp nhất với nhau, một ngân hàng đã sáp nhập vào ngân hàng khác, 3 ngân hàng đang tiến hành tự cơ cấu lại và một ngân hàng sẽ hợp nhất vào TCTD khác. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém bảo đảm khả năng chi trả đầy đủ tiền gửi của dân cư; không để xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng.Đến cuối tháng 11/2012, dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt 78,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 58,31% nợ xấu), tăng 33% so với cuối năm 2011; nợ xấu được các TCTD xử lý ước đạt 45.000 tỷ đồng. "Nhiều TCTD đã chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí, kể cả tiền lương, tiền thưởng của người lao động để tập trung trích lập dự phòng rủi ro cho xử lý nợ xấu" - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.Về vấn đề xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của ngành ngân hàng vì ngân hàng là người hiểu rõ nhất vấn đề nội tại của mình. "Nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ví dụ như có thể thông qua tái cấp vốn thay vì ứng ngân sách ra để giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu hay cơ cấu lại hệ thống" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu, NHNN và các ngân hàng thương mại cần tự mình cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn; không để tình trạng ngân hàng cổ phần trở thành ngân hàng của một số người chi phối, lập ngân hàng ra để rút vốn cho các công ty con. Về thị trường vàng, mục tiêu mà chính sách tiền tệ đặt ra là quản lý vàng theo hướng đảm bảo quyền lợi người dân, không để ảnh hưởng đến VND, khuyến khích đưa vàng vào Nhà nước quản lý đưa vào sản xuất.
Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản sẽ được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Trên cơ sở kết quả thanh tra năm 2012, NHNN sẽ ban hành các quy định mới về an toàn hoạt động tín dụng trong quý I/2013. |