Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nửa vời vụ chiếm đất nông nghiệp tại xã Trường Thịnh?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa về việc một số cá nhân lấn chiếm đất nông nghiệp xây dựng nhà xưởng để sản xuất tăm tre.

Lấn chiếm, cấp đất trái thẩm quyền

Theo phản ánh của ông Cao Văn Hoa (ở thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh), trong mấy năm gần đây, tình trạng lấn chiếm đất công tại địa phương diễn ra phổ biến. Một số cá nhân lấn chiếm hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để xây dựng các cơ sở sản xuất như tăm tre. Đến nay, những sai phạm này chỉ bị xử lý “trên giấy”, các xưởng vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động của xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm nhiều năm vẫn không bị xử lý.	Ảnh: Đạt Lê
Hoạt động của xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp gây ô nhiễm nhiều năm vẫn không bị xử lý. Ảnh: Đạt Lê
Cũng theo ông Hoa, đặc biệt có trường hợp ông Cao Văn Ngự (nguyên trưởng thôn Hoa Đường) trong thời gian làm trưởng thôn đã vi phạm quản lý đất đai ở địa phương, lấn chiếm đất công, cấp trái thẩm quyền hàng trăm mét vuông đất công trên địa bàn…

Một trường hợp khác cũng từng là trưởng thôn Hoa Đường bị người dân tố lấn chiếm đất nông nghiệp là ông Đỗ Xuân Trường (thời gian từ năm 2007 - 3/2012). Theo đó, năm 2010, ông Trường xây dựng một xưởng sản xuất tăm hương, vị trí xây dựng trên quỹ đất công do UBND xã Trường Thịnh quản lý gây ô nhiễm môi trường, trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, ông Lê Văn Dân và ông Cao Xuân Hồng cũng đã dựng xưởng sản xuất tăm trái phép trên hàng nghìn mét vuông đất trồng lúa tại ngay cạnh nhà văn hóa thôn...

Thiếu kiên quyết với sai phạm

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy tố cáo của người dân là có cơ sở. Theo quan sát của phóng viên, nhiều nhà xưởng sản xuất xây dựng trên đất nông nghiệp đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động bình thường.

Đáng chú ý, tại Kết luận nội dung tố cáo số 18/KL-UBND ngày 21/1/2013 do ông Lê Đình Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa ký đã khẳng định nội dung tố cáo đối với ông Cao Văn Ngự là có thật. Vụ việc đã được UBND huyện xác minh, kết luận và xử lý theo Thông báo số 47/TB-UBND ngày 12/8/2005 nên không xem xét lại... Năm 2006, gia đình ông Ngự tổ chức vượt nền xây dựng nhà ở, ông Ngự và vợ là bà Vũ Thị Phượng còn được thôn Hoa Đường giao đất trái thẩm quyền 240m2 đất. Qua kiểm tra đo đạc thì thấy mảnh đất gia đình ông Ngự đang sử dụng có diện tích lên tới 670,6m2, trong đó 240m2 đất do thôn Hoa Đường cấp trái thẩm quyền; 430,6m2 đất đang sử dụng của tập thể trồng cây, rau màu và làm khu chăn nuôi. Việc ông Ngự sản xuất gạch bê tông chưa đăng ký kinh doanh và chưa làm bản cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường… 

Trường hợp ông Đỗ Xuân Trường, Kết luận chỉ rõ: “Qua kiểm tra, phần diện tích xây dựng xưởng sản xuất tăm là 334,38m2, trong đó có 240m2 đất của ông Thủy (em ông Trường) nhận chuyển nhượng của ông Lê Khắc Hải (thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu), còn lại 94,38m2 nằm trong hợp đồng diện tích thầu ao thả cá với UBND xã Trường Thịnh. Việc ông Trường xây dựng đặt máy sản xuất tăm là trái hợp đồng. UBND xã Trường Thịnh không có những biện pháp ngăn chặn xử lý, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã thời kỳ 2004 - 2011”. 

 Liên quan đến vụ việc trên, ông Vũ Đức Vinh - Chủ tịch UBND xã Trường Thịnh cho biết, diện tích đất lấn chiếm của 2 trường hợp này đang được xã tìm hướng giải quyết. Với trường hợp ông Dân, ông Hồng, vị Chủ tịch xã khẳng định, khi phát hiện vi phạm, UBND xã đã nhiều lần lập biên bản đình chỉ, ngăn chặn và yêu cầu hộ gia đình ông Dân, ông Hồng phải san trả lại diện tích như ban đầu, nhưng 2 trường hợp này vẫn không chấp hành thực hiện. Sau đó bằng nhiều hình thức, thời gian vi phạm khác nhau, 2 hộ đã cố tình xây dựng xưởng sản xuất tăm (?!).

Ông Vinh cho biết thêm, xã đã có điểm quy hoạch đất tiểu thủ công nghiệp nhưng đang lập tờ trình xin phê duyệt và xây dựng. Vì vậy, UBND xã chưa thể yêu cầu 2 hộ gia đình ông Dân, ông Hồng chuyển xưởng sản xuất tăm vào điểm tiểu thủ công nghiệp và trả lại hiện trạng ban đầu của diện tích đất đã vi phạm (?).