Trả lời:
Theo như bạn trình bày, chiếc xe khách công ty bạn mua là tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng để bảo đảm cho khoản nợ. Việc mua bán chiếc xe chưa được ngân hàng đồng ý, về nguyên tắc, chiếc xe vẫn là tài sản thế chấp tại ngân hàng; việc mua bán giữa công ty bạn và công ty kia không có giá trị pháp lý, không thể thực hiện việc đăng ký sang tên công ty bạn.
Tuy nhiên, công ty bạn vẫn thực hiện việc đóng tiền hàng tháng theo quy định của ngân hàng thay công ty kia. Do vậy, đến nay chưa bị chậm trễ trong việc trả nợ và không vi phạm hợp đồng vay.
Căn cứ Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: Bán đấu giá tài sản; Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Ngoài ra, Khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên thế chấp: “Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật”.
Hiện nay, công ty kia đang tuyên bố phá sản, do đó bạn cần liên hệ với ngân hàng và công ty kia để làm thủ tục, thỏa thuận thanh toán toàn bộ khoản nợ để ký kết hợp đồng mua bán xe hoặc làm thủ tục chuyển nghĩa vụ nợ từ công ty kia sang công ty bạn để tiếp tục hợp đồng vay.
Luật sư Dương Xuân Huề - Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Hà Nội