Xử phạt hơn 48.000 vụ vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 90.826 vụ, xử lý 48.691 vụ vi phạm với tổng số thu nộp ngân sách là 202,76 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán là 67,24 tỷ đồng.

Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết trong số các vụ vi phạm đã xử lý, nổi cộm nhất là nhóm các vụ vi phạm gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm với hơn 30.000 vụ bị xử lý với giá trị khoảng 65,5 tỷ đồng.

Nhiều đơn vị đã phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường.

Điển hình như vụ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phối hợp với lực lượng Công an bắt giữ 10 container hàng nhập lậu và hàng cấm qua cảng Sài Gòn, trị giá khoảng 38 tỷ đồng; bắt giữ, tiêu hủy gần 6 tấn gà phế phẩm quá hạn sử dụng, biến chất và trên 3 tấn chim cút làm sẵn đã bốc mùi hôi thối; xử lý 851 vụ vận chuyển, buôn bán 333.248 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 230.000 ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật có nguồn gốc Trung Quốc, không được phép sử dụng.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã kiểm tra, bắt giữ hơn 1.000 bình gas chiết nạp trái phép không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa; xử lý 159 vụ vi phạm, thu giữ 106.934 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt giữ, chuyển cơ quan Công an khởi tố một vụ sản xuất trên 11 tấn phân bón giả; Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh phát hiện, xử lý 468 vụ vi phạm, tịch thu 133.460 bao thuốc lá ngoại nhập lậu...

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã trực tiếp hoặc phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường các địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm.

Kết quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian qua đã góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.