Đây là thông tin được ông Trần Mạnh Giang, đại diện Chi Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm" vừa diễn ra sáng nay (2/12).
Với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra lên tới hơn 10.000 lượt mỗi năm, tỷ lệ cơ sở không đạt yêu cầu, bị xử lý vi phạm có cải thiện và có xu hướng giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ cơ sở vi phạm là 16,06% (năm 2014 là 17,7%). Số tiền phạt hành chính vào khoảng 1,5 tỷ đồng/năm cùng lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã tiêu hủy là hơn 3 tấn/năm.
Ông Trần Mạnh Giang: Sẽ công khai các đơn vị vi phạm ATTP. |
"Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 40% đến 60%, số còn lại được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác. Nguồn lương thực thực phẩm này được đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng và chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Bởi vậy, việc quản lý chất lượng, ATTP chưa được chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, lòng tin người tiêu dùng giảm", ông Giang nói.
Chính vì vậy, công tác giám sát ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn TP đã tập trung vào các mẫu có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản... Từ năm 2011 - 2015, đã lấy 8.632 mẫu để giám sát chất lượng, tỷ lệ mẫu vi phạm chiếm 4,9%. Các trường hợp mẫu vi phạm đều được cảnh báo tới các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tổ chức truy xuất, điều tra xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm và khắc phục sai lỗi theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện ATTP của Chi cục vẫn còn một số tồn tại. Có thể kể đến như hệ thống văn bản quy định còn thiếu, thời gian nhận kết quả phân tích mẫu chậm nên khó khăn trong việc truy xuất nguồn ngốc sản phẩm không đảm bảo an toàn đặc biệt là các sản phẩm tươi sống, ông Giang nêu.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn manh mún, nhỏ lẻ phân tán, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP còn ít. Không những thế, vẫn còn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày, thường xuyên.
Cũng theo đại diện Chi Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội, trong thời gian tới Chi Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác ATTP. Tham mưu cho TP ban hành cơ chế, chính sách về ATTP, Đề án về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn.
Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thuỷ sản và tiến hành kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở đã được thống kê và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, chú trọng tái kiểm tra với các cơ sở xếp loại C. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ ký cam kết sản xuất đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất ban đấu nhỏ lẻ theo phân công, phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND TP.
Đặc biệt, công tác lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất nguồn gốc, thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát, ông Giang cho biết.