Song, để chương trình đi vào thực tiễn là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Đó là nội dung chính tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo về một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 được tổ chức ngày 10/9.
Sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao
Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng chưa cao, an toàn dịch bệnh đáng báo động. Đặc biệt, dù có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp song đến nay, những mô hình áp dụng CNC của Hà Nội còn yếu. Do vậy, để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, TP cần có chính sách khuyến khích cụ thể, sát thực tế, thu hút doanh nghiệp (DN), các đơn vị cùng tham gia.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Huy Đăng cho biết, không chỉ Hà Nội, nông nghiệp ứng dụng CNC đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Sự xuất hiện của các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, các DN ứng dụng nông nghiệp CNC sẽ tạo môi trường thích hợp cho những sáng tạo KH&CN, thuận tiện cho sự chuyển hóa tri thức thành sức sản xuất và thành ưu thế thị trường.
Để hiện thực hóa Chương trình, TP xây dựng một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này: Những chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hỗ trợ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Tại hội nghị lấy ý kiến chi tiết dự thảo về một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều chuyên gia, đại diện sở, ngành cho rằng, TP cần điều chỉnh một số nội dung trong chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo hiện thực hóa Chương trình. Ông Nguyễn Đức Cử - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hưng cho biết, trên địa bàn TP hiện chưa có bất kỳ DN nào đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, trong khi trên thực tế, sản xuất giống quyết định đến 40% năng suất và chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi nguồn vốn lớn và mặt bằng (đất đai) để xây dựng trang trại, nên TP cần hỗ trợ đầu tư 100% về mặt bằng và hạ tầng để thu hút DN tham gia.
Đáng chú ý, không chỉ khó khăn về mặt bằng sản xuất, việc tiếp cận vay vốn tín dụng của DN, chủ trang trại cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để DN "mặn mà" với Chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC, theo ông Bùi Đình Phong - Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, các chính sách khuyến khích cần tập trung vào mở rộng đối tượng hỗ trợ. Chẳng hạn như nếu chủ trang trại ứng dụng CNC nhưng trang trại không nằm trong vùng/khu nông nghiệp ứng dụng CNC thì có được hỗ trợ hay không?...
Vấn đề tiêu thụ sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm, bởi tiêu thụ sản phẩm phải thuận lợi thì DN mới dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ cho nông dân, chủ cơ sở sản xuất, DN, các chính sách phải được cụ thể hóa bằng những đề án để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, để nông nghiệp ứng dụng CNC đạt năng suất, chất lượng và có lợi thế cạnh tranh, chính sách cần có định hướng hỗ trợ theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ (hỗ trợ về chứng nhận thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý...).
Thực tế cho thấy, DN vẫn có tâm lý dè dặt khi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp vì luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, sự bấp bênh của thị trường. Thêm vào đó, việc đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi phải có tiềm lực vốn lớn và lâu dài nên TP cần ưu tiên các chương trình vay vốn dài hạn và đơn giản các thủ tục vay vốn để tạo thuận lợi cho các DN tham gia. Các chính sách hỗ trợ phải mang tính "kích thích" để DN gắn bó lâu dài, tránh tình trạng tham gia nửa vời chỉ để được nhận kinh phí hỗ trợ.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhận định, để Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC sớm đi vào thực tiễn, các mục tiêu của Chương trình sẽ được cụ thể hóa bằng Đề án. Bên cạnh đó, TP sẽ cân nhắc điều chỉnh đối tượng thụ hưởng các chính sách và giải pháp gỡ vướng trong vay vốn cho các đối tượng này. Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở NN&PTNT bổ sung, hoàn chỉnh chương trình và các chính sách, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu để TP rà soát lại trong ngày 13/9 tới.
Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
|
Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020 đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC năm 2020 chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Trong đó, hoàn thành xây dựng 1 - 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, có 10 DN nông nghiệp ứng dụng CNC, 300 trang trại nông nghiệp ứng dụng CNC. |