Theo đơn kiện, Vinasun Corp đòi phía Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng mà Vinasun bị ảnh hưởng kể từ khi thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng từ tháng 1/2016 đến ngày nộp đơn chính thức khởi kiện ra tòa (tháng 6/2017).
Ngoài ra, Vinasun Corp cho rằng, Grab đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, quyết định giá, điều chỉnh giá, khuyến mãi tràn lan trong một ngày…
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun Corp cho biết, việc khởi kiện Grab đã được doanh nghiệp chuẩn bị trong một năm với mong muốn có được môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, qua đó bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.
“Ứng dụng công nghệ 4.0 là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, Grab chỉ với một phần mềm đặt xe, gọi xe đã làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải bằng taxi, gây nhiều hệ luỵ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thậm chí, nhiều lao động của Grab cũng đang gặp khó khăn khi Grab chỉ có một phần mềm nhưng lại thu 25-28% doanh thu do tài xế tạo ra. Cùng với đó là câu chuyện khó hiểu khi công ty Grab tại Việt Nam có vốn điều lệ 40 tỷ đồng nhưng báo lỗ tới 938 tỷ đồng, chỉ đóng thuế hơn 9 tỷ đồng và được Bộ Tài chính đưa vào diện giám sát đặc biệt,” ông Trương Đình Quý nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng, Grab hoạt động tại Việt Nam căn cứ vào Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Hoạt động của Grab đã giúp người tiêu dùng Việt Nam có thêm lựa chọn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi truyền thống.
Ngoài ra, đại diện Grab cho rằng, yêu cầu đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng thiệt hại của Vinasun Corp là không đúng, không có cơ sở chứng minh. Từ đó, đại diện Grab đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn kiện của Vinasun.
Chiều 7/2, phiên tòa tiếp tục.