Nói về những đóng góp to lớn của nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội khẳng định: “Nhà thơ Xuân Quỳnh được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người biết đến như “Thuyền và biển”, “Sóng” (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), “Hoa cỏ may”, “Tự hát”, “Nói cùng anh”... Các bài thơ “Sóng”, “Truyện cổ tích về loài người” (Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt nam. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ “Thuyền và biển” (4/1963), “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh.
Nhà thơ Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tình hàng đầu của thời kỳ hiện đại. Đọc thơ Xuân Quỳnh, nhiều người nhìn thấy đời sống của chị, những tâm trạng thật của chị. Và dường như, mỗi trang thơ đều đồng hành với trang đời của nữ thi sĩ nổi tiếng này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội chủ trì buổi tọa đàm.
PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, Phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội (em chồng nhà thơ Xuân Quỳnh) chia sẻ, cùng với tình yêu, thơ Xuân Quỳnh cũng rất đậm đà khi viết về những mối quan hệ tình cảm gia đình. Những vần thơ của chị thấm thía sự san sẻ trong tình cảm chị em gái (“Chị”, “Tháng ba”, “Viết cho chị”).
Những vần thơ tưởng nhớ mẹ đầy yêu thương, sâu lắng (“Tiếng mẹ”, “Gửi mẹ”). Với bài thơ “Mẹ của anh”, Xuân Quỳnh đã bộc lộ với bạn đọc một quan hệ tình cảm mới: tình cảm của người con dâu đối với mẹ chồng. Đó đúng là một thứ tình cảm mới, của những con người mới, trong cuộc sống mới.
Trong tâm hồn nhạy cảm của Xuân Quỳnh không có thứ tình cảm nào buông trôi nửa vời. Bao giờ chị cũng đẩy cảm xúc lên ở mức độ cao nhất. Chị luôn luôn nới đến tận cùng những tình cảm của mình. Xuân Quỳnh đã đem chính cuộc đời mình ra để đổi lấy những câu thơ.