Chiều 6/3, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết kết quả giải mã GEN sau khi lấy mẫu trên đàn vịt chạy đồng bị chết hàng loạt tại huyện Vĩnh Cửu cho thấy, đây là chủng virus thuộc nhánh 2.3.2.1C hiện đang lưu hành tại các tỉnh phía Bắc, chứ không phải là chủng cúm gia cầm 1.1 đang phổ biến tại các tỉnh phía Nam.
Trước diễn biến bất ngờ này, ông Trần Văn Quang cho rằng, hiện nay các đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ tiêm vắcxin RE5 phòng cúm nhánh 1.1 chứ không phải vắcxin phòng chủng cúm 2.3.2.1C.
Do đó, sức kháng cự của vắcxin RE5 chỉ giúp đàn gia cầm tại Đồng Nai chống chọi với sự tấn công của virus cúm H5N1 rất yếu ớt, chỉ đạt 10%.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn để bàn phương án đối phó với dịch cúm gia cầm hiện đang xảy ra trên địa bàn, đồng thời, có biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành tập trung quan tâm hỗ trợ giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện nay.
Hệ thống ngân hàng cần giúp đỡ người dân tiếp cận được với các nguồn vốn để xoay vòng chăn nuôi.
Trước đó, Đồng Nai cũng đã công bố hai ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Trảng Bom và Cẩm Mỹ.
Hiện Đồng Nai là địa phương có đàn gia cầm lớn của cả nước với trên 12 triệu con.
Đồng Nai cũng là địa phương nằm ở cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vấn đề vận chuyển, lưu hành gia cầm và các sản phẩm của gia cầm qua địa bàn rất lớn nên là nguy cơ khiến dịch có thể lây lan cho đàn gia cầm ở Đồng Nai.
Kinhtedothi - Phun thuốc phòng chống dịch cúm gia cầm. |