Kinhtedothi - Sáng 27/10, tại hội nghị Giới thiệu quy trình tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo phương thức mới, ông Hà Xuân Tùng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết: Một số người nhẹ dạ, cả tin để các đối tượng cò mồi lừa đảo lợi dụng các khoản thu tiền bất chính, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của người lao động (NLĐ).
Đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản là thực hiện thỏa thuận giữa Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan). NLĐ tham gia chương trình sẽ tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật 3 năm và được hưởng trợ cấp 80.000 yên/tháng, trong tháng đầu đào tạo và giáo dục định hướng. Trong năm thứ nhất và hai, thực tập kỹ thuật được nhận mức lương tối thiểu 90.000 yên/tháng, năm thứ ba 100.000 yên/tháng và bảo hiểm. Khi hoàn thành chương trình về nước đúng thời hạn được IM Japan hỗ trợ 600.000 yên. Vì là chương trình phi lợi nhuận, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt những người có kinh tế khó khăn, cho nên họ chỉ phải đóng một khoản kinh phí nhỏ. Theo ông Hà Xuân Tùng, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam có 2.537 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Nhiều thực tập sinh được các công ty Nhật đánh giá cao, một số người được giao làm quản lý tại các chi nhánh của Công ty Nhật Bản tại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình về nước. Tuy nhiên, ngoài tồn tại mà ông Hà Xuân Tùng đã nêu, ông Kitagaki Toshio – Trưởng đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho biết thêm: Trong quá trình triển khai cũng đã xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật của các công ty tiếp nhận phía Nhật Bản. Ví dụ như bắt các thực tập sinh người nước ngoài lao động nặng nhọc; không trả tiền lương đúng mức; bị trả số tiền môi giới trung gian nhiều; bị các tổ chức phái cử trong nước thu những khoản tiền như đặt cọc, vi phạm hợp đồng… Số lượng thực tập sinh người nước ngoài bỏ trốn ngày càng gia tăng. Tính từ tháng 1 - 10/2015, đã có 8 thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn, tăng 5 người so với cùng kỳ năm ngoái. “Theo IM Japan, hầu hết, những người bỏ trốn là vì mục đích kiếm tiền. Khi các em tham gia chương trình của IM Japan, đã bị bắt đóng khoản tiền lớn dưới danh nghĩa phí thi tuyển, hoặc chi phí môi giới từ một số bộ phận liên quan, thậm chí có cả cán bộ của Sở LĐTB&XH” - ông Kitagaki Toshio lý giải.
Tình trạng trên đã gây bất bình với Tổ chức IM Japan và ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng Việt Nam. Vì vậy từ tháng 5/2015, Tổ chức IM Japan đề nghị Bộ LĐTB&XH Việt Nam dừng tuyển chọn ứng viên là NLĐ các tỉnh phía Bắc. Chính phủ Nhật Bản đã xem xét rất chặt chẽ những quy định điều khoản tiếp nhận thực tập sinh người nước ngoài. Hiện, dự thảo thực tập sinh tại Nhật Bản đang được trình và chờ Quốc hội Nhật Bản thông qua.