KTĐT - Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện cả nước có tới 205 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra không “bằng lòng” về những điều kiện trong bản dự thảo nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tại hội thảo về “dự thảo nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo” ngày 14/11, tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có những ý kiến trái chiều với quy định doanh nghiệp sẽ phải bỏ tiền túi đầu tư xây dựng hệ thống xay xát, chế biến gạo và kho bảo quản với sức chứa 5.000 tấn.
Doanh nghiệp “né” điều kiện
Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Mê Kông (Cần Thơ) cho rằng, không nên để thương nhân đầu tư kho và cơ sở xay xát vì như vậy sẽ có một sự chạy đua của các doanh nghiệp để đáp ứng các điều kiện này.
Theo kiến nghị của ông Võ Thành Đô, Giám đốc Công ty Lương thực Thương mại Phú Thọ, nên hạ mức điều kiện kho chứa của doanh nghiệp xuống mức 3.000 tấn, như vậy doanh nghiệp mới có thể đáp ứng nổi.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt cho hay, thị trường gạo có nhiều phân khúc, vì thế các điều kiện cũng nên hướng đến “phân khúc” theo năng lực của doanh nghiệp.
Bởi, theo phân tích của ông Long, có thể doanh nghiệp không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng lại có kinh nghiệm về thị trường. Những điều kiện này vô tình tạo lực cản với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Phát (Tiền Giang) cho rằng, hiện các doanh nghiệp mua bán gạo với nhau chứ chưa mua trực tiếp của nông dân, đồng thời phải thuê kho để trữ lúa gạo.
“Đây chính là lý do để doanh nghiệp ép giá nông dân, bởi chi phí chế biến và kho bảo quản sẽ được tính vào giá thành. Do đó, phải quy định doanh nghiệp khi đăng ký tham gia xuất khẩu gạo phải đầu tư cơ sở vật chất chế biến và kho bảo quản.”, ông Tuấn nói.
Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, doanh nghiệp muốn đăng ký xuất khẩu phải có ba điều kiện, phải có vùng lúa nguyên liệu trên cơ sở ký kết hơp đồng với nông dân vùng nguyên liệu. Như vậy sẽ giúp nông dân giảm bớt lo lắng đầu ra.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư giống và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo của mình trên cơ sở lợi ích của chính doanh nghiệp. Nếu không, mục đích cuối cùng của việc xuất khẩu là đem lại lợi ích cho người nông dân khó thực hiện được.
Không thể mạnh ai nấy làm!
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện cả nước có tới 205 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, trong đó chỉ có 11 doanh nghiệp xuất khẩu lớn (chiếm 69%), 57 doanh nghiệp (67%) có lượng gạo xuất khẩu trên 10.000 tấn/năm.
Còn lại có tới 137 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 13%), trong đó 82 doanh nghiệp đạt năng lực xuất khẩu dưới 1.000 tấn/năm, 41 doanh nghiệp xuất khoảng hơn 200 tấn/năm, thậm chí có doanh nghiệp một năm chỉ xuất khẩu được 1 tấn. Trong khi đó, Thái Lan luôn là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, song nước này chỉ có khoảng 12 – 15 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang thẳng thắn, càng nhiều đơn vị tham gia thì người nông dân sẽ càng khổ, vì lúc đó doanh nghiệp sẽ chạy theo lợi nhuận, ép giá nông dân.
Theo ông Hoa Hữu Long, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), trong nghị định cũ, xuất khẩu gạo không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, nhằm chấn chỉnh hoạt động này, bảo đảm lợi ích của người nông dân, Chính phủ có quyền quyết định đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì thế doanh nghiệp không thể “mạnh ai nấy làm” được.
Với quy định trữ 20% lượng lúa lưu thông, nhiều doanh nghiệp cho là quá cao, vì lúa thu hoạch quanh năm và có chương trình dự trữ quốc gia. Chỉ nên yêu cầu doanh nghiệp trữ khoảng 10% sẽ phù hợp hơn.
Phó Thủ tướng Hoàng trung Hải khẳng định, việc kinh doanh xuất khẩu gạo phải có điều kiện. Vì nếu cứ giữ nguyên cơ chế cũ, mỗi năm Việt Nam xuất tới 6 triệu tấn nhưng chia cho hàng trăm doanh nghiệp sẽ tăng thêm chi phí không cần thiết.
“Thêm vào đó, từ năm 2011, có thể cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo, lúc đó sẽ có thêm nhiều vấn đề nảy sinh như chạy đua đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng các điều kiện để được xuất khẩu. Lúc đó sẽ lại lo thừa các nhà máy xay xát, các kho chứa…”, Phó thủ tướng nói.
Vì thế, theo Phó thủ tưởng, nên xem xét đến khả năng giảm bớt các doanh nghiệp được phép tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, nếu “rút gọn” có thể sẽ trái với các điều khoản về thương mại, vì thế phía hiệp hội, hay một tổ chức phi chính phủ nên nên có những quy chế riêng.