Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu gạo, rau quả diễn ra tích cực

Phúc Nguyễn/PL&XH
Chia sẻ Zalo

Tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá thuận lợi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại có thể kéo lùi những kết quả xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp.

Kho gạo xuất khẩu đi Philippines, Trung Quốc tại Công ty TNHH Dương Vũ, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh: Hồng Đạt  
Kho gạo xuất khẩu đi Philippines, Trung Quốc tại Công ty TNHH Dương Vũ, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh: Hồng Đạt  

Tín hiệu đáng mừng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu; trong đó xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.

Theo Bộ Công Thương, các Hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng; thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế; nhiều DN, người sản xuất đã tiếp cận tốt hơn và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà nước ta là thành viên; các Hiệp hội ngành hàng đã, đang phát huy vai trò tích cực, giúp DN thành viên nâng cao chất lượng, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại có thể kéo lùi những kết quả xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp, như việc xây dựng chuỗi liên kết giữa DN và người nông dân còn lỏng lẻo, hay xa hơn nữa chính là việc xây dựng được thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp…Theo đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, tại một số thị trường, nhà nhập khẩu yêu cầu cao về khâu chế biến do vậy, các DN và nhà sản xuất cần quan tâm đến thị hiếu của khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của DN, có những DN vẫn thuê riêng một góc để trưng bày sản phẩm mà không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành. "Vì vậy, vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ DN là vô cùng quan trọng. Nhất là hỗ trợ các hộ sản xuất, DN tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại (FTA), đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường cũng như bảo vệ thương hiệu sản phẩm, ngành hàng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Còn những thách thức...

Theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước...

Những chuyến xe khởi hành đưa vải thiều sớm đến các thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Văn.  
Những chuyến xe khởi hành đưa vải thiều sớm đến các thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Văn.  

Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ DN tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ DN ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).

Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN trong việc cơ cấu lại sản xuất và cơ cấu lại quản trị DN theo hướng xanh, sạch. Đồng thời, phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, hợp chuẩn, bảo đảm chất lượng ổn định và các yêu cầu về an toàn thực phẩm, rõ mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò ảnh hưởng của Hiệp hội, ngành hàng với các DN thành viên theo đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong Quyết định thành lập Hiệp hội. Chủ động cung cấp thông tin, phản ánh đến các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động của các DN thành viên để các cơ quan chức năng có cơ sở xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tích cực nghiên cứu, đề xuất và tham gia góp ý với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản cũng như mặt hàng gạo và rau quả….

Theo Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.