Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu giảm, nhập siêu tăng trở lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu sang nhập siêu (nếu 11 tháng năm trước xuất siêu 3,2 tỷ USD thì 11 tháng năm nay đã nhập siêu 3,8 tỷ USD).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trạng thái này do nguyên nhân tổng quát là so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng thấp hơn nhập khẩu (8,3% so với 13,7%), với 5 nguyên nhân cụ thể. Một, do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước cao lên, tạo nhu cầu nhập khẩu lớn hơn. Hai, do sản xuất ở trong nước, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi công nghiệp hỗ trợ ở trong nước còn nhỏ bé, chậm phát triển. Ba, do hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là của khu vực sản xuất trong nước còn thấp, nên yếu sức cạnh tranh khi xuất khẩu và bị giảm thị phần với hàng nước ngoài. Bốn, nhiều DN đã tranh thủ cơ hội khi giá hàng nhập khẩu tính bằng USD giảm đã tăng lượng nhập khẩu để đón đầu cơ hội khi phục hồi tăng trưởng kinh tế và đời sống. Năm, nhiều nước dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Việt Nam chưa làm tốt công tác này, nhất là việc kiểm tra ngăn chặn các mặt hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng buôn lậu, gian lận thương mại...

Đóng góp vào nhập siêu có nhiều thị trường, trong đó có 4 thị trường lớn. Lớn nhất là Trung Quốc, trong 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này tới 45,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang đây 15,6 tỷ USD, nhập siêu tới 29,5 tỷ USD, cao hơn 3,5 tỷ USD so với mức nhập siêu của cùng kỳ năm trước (26 tỷ USD). Khả năng cả năm nhập khẩu vượt qua mốc 49,8 tỷ USD, xuất khẩu chỉ đạt 17 tỷ USD và nhập siêu từ đây có thể cán mốc 33 tỷ USD - lần đầu tiên Việt Nam có 1 thị trường nhập siêu vượt qua mốc 30 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô, nông sản chưa qua chế biến; trong khi nhập khẩu máy móc, hàng điện tử, điện thoại, vải, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, máy ảnh, máy quay phim... chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Lớn thứ hai là Hàn Quốc. Xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD, nhập khẩu lên đến 25,6 tỷ USD, nhập siêu 17,2 tỷ USD, cao hơn 3,9 tỷ USD so với mức của cùng kỳ (13,3 tỷ USD). Việc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc đã được các DN Hàn Quốc tận dụng cơ hội tốt hơn, trong khi DN của Việt Nam chưa tận dụng tốt.

Lớn thứ ba là ASEAN. Xuất khẩu đạt 17 tỷ USD (giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước); nhập khẩu 21,8 tỷ USD (tăng 4,5%), nhập siêu 4,8 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với mức nhập siêu của cùng kỳ. Trong khu vực này, nhập siêu từ Thái Lan gần 4 tỷ USD tăng so với 2,94 tỷ USD, từ Singgapo đạt trên 2,35 tỷ USD.