Điểm nhấn thứ nhất, quy mô xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay đạt cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Lần đầu tiên quy mô xuất khẩu trong một tháng (tháng 1) vượt qua mốc 20 tỷ USD. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt rất cao: 26,1%. Trong nhiều năm qua đây là tốc độ tăng cao hiếm thấy trong 2 tháng đầu năm, cao gấp rưỡi tốc độ tăng của cùng kỳ. Thứ ba, tăng trưởng cao lên so với cùng kỳ năm trước ở cả khu vực kinh tế trong nước (24,8% so với 13%) và ở cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (27,7% so với 16,4%). Đây cũng là điểm nhấn hiếm thấy trong nhiều cùng kỳ các năm trước, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước.
|
Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Chiến Công |
Thứ tư, tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng. Trong 45 mặt hàng chủ yếu có 34 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD (cùng kỳ có 32); có 25 mặt hàng đạt trên 200 triệu USD (cùng kỳ có 22); có 8 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cùng kỳ có 7), gồm: Điện thoại và linh kiện, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản... Thứ năm, tăng trưởng do cả lượng và đơn giá tăng, trong đó lượng tăng là chủ yếu. Thứ sáu, tăng trưởng kim ngạch đạt ở hầu hết các địa bàn cả nước, trong đó có những địa bàn có mức tăng cao, đóng góp lớn vào tổng mức tăng của cả nước như Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Hà Nội, Long An. Mới qua 2 tháng đã có 7 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD gồm TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng.
Thứ bảy, tăng trưởng đạt được ở hầu hết các thị trường chủ yếu, trong đó có những thị trường có đóng góp lớn vào quy mô tổng kim ngạch hoặc đóng góp lớn vào tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Hồng Kông, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Thái Lan, Áo, Anh, Malaysia, Indonesia...). Mới qua 2 tháng, đã có 7 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Thứ tám, nhờ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (26,1% so với 20,5%) nên trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Khu vực kinh tế trong nước tuy vẫn còn nhập siêu và mức nhập siêu đã cao so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ nhập siêu đã thấp hơn (43,1% so với 48,6%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, mức xuất siêu cao hơn và tỷ lệ xuất siêu cao hơn (18,7% so với 14,7%). Các thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn (trên 200 triệu USD) trong 2 tháng đầu năm là: Mỹ, Hà Lan, Hồng Kông, Áo, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Đức, Philippines, Ấn Độ, Bỉ, Campuchia, Canada, Mexico, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ chín, kết quả của 2 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng vượt kế hoạch (tăng 8 - 10%); không nhập siêu lớn như kế hoạch (với tỷ lệ nhập siêu 3%, suy ra mức nhập siêu 6,93 - 7,06 tỷ USD), thậm chí sẽ tiếp tục xuất siêu.
Vẫn nhiều thách thứcTuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực và khả quan, trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Khu vực trong nước vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ, nhập siêu lớn, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn và xuất siêu cao, làm xuất hiện tình trạng “hai nền kinh tế”, “xuất khẩu hộ”. Cơ cấu mặt hàng tuy có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng hàng nông sản, nguyên liệu chưa qua chế biến hoặc tinh chế tuy giảm nhưng vẫn còn cao, tỷ trọng hàng chế biến tăng lên, nhưng tỷ trọng hàng gia công, lắp ráp lớn. Xuất khẩu vào Mỹ tăng chậm lại, quy mô xuống thấp hơn Trung Quốc (cũng chủ yếu do các DN FDI thực hiện). Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao, nhưng nhập siêu từ đây vẫn còn rất lớn (nếu kể cả nhập siêu theo đường tiểu ngạch thì vẫn lớn nhất). Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng cao, nhưng nhập khẩu từ đây tăng cao hơn, nên nhập siêu từ Hàn Quốc tăng và vượt qua cả Trung Quốc (không kể tiểu ngạch) lên đứng thứ nhất (4.719,9 triệu USD so với 3.487,9 triệu USD).