Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu lao động: Hướng đến các thị trường tốt

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 142.000 lượt người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong năm 2018 là con số kỷ lục trong những năm qua. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều nỗi lo, trăn trở.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng lao động. Ảnh: Thủy Trúc
Thưa ông, XKLĐ là một trong những điểm sáng của ngành LĐTB&XH. Ông có thể cho biết những chuyển hướng của thị trường XKLĐ?
- Năm 2018, cả nước đã có trên 142.000 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lượng người XKLĐ nhiều nhưng điểm sáng nhất chính là chúng ta tập trung đưa lao động đi làm việc ở những thị trường tốt (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) chiếm tới 95%. Các thị trường có thu nhập không tốt, nhiều rủi ro như Malaysia, Trung Đông, số lao động đến làm việc giảm đáng kể, không đến 2%.

Năm qua, một số thị trường lao động mới đã được mở ra tạo thêm cơ hội cho người lao động (NLĐ) lựa chọn như Bungari, Hungari, Đức. Trước xu thế đô thị hóa cao, già hóa dân số xảy ra ở tất cả các châu lục, trừ châu Phi, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều nước rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Vì thế, một số quốc gia như Phần Lan muốn gặp Bộ LĐTB&XH, đề nghị hợp tác tiếp nhận lao động. Nhật Bản là đối tác với Việt Nam nhưng họ vẫn đang thiếu rất nhiều nhân lực. Cuối năm 2018, Thượng viện Nhật Bản chính thức thông qua luật mới về tiếp nhận NLĐ nước ngoài đến làm việc với thời hạn dài hơn.

Việc đưa nhiều lao động ra nước ngoài làm việc có ảnh hưởng đến thị trường việc làm ở trong nước không, thưa ông?

- Việc Nhật Bản sửa đổi luật tiếp nhận NLĐ cũng gửi tới Việt Nam thông điệp mạnh mẽ, nhất là khi quá trình già hóa đang diễn ra rất nhanh với Việt Nam. Thể hiện rõ nhất ở việc, 10 năm trước, mỗi năm nước ta có thêm 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Nhưng, hiện nay, lực lượng lao động chỉ tăng thêm được 800.000 người/năm, bằng một nửa so với trước. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải xác định lại vị thế trong công tác XKLĐ. Bây giờ không phải là lúc chúng ta mở mang thị trường, ký kết được nhiều hiệp định hợp tác. Điều quan trọng là mình có quyền lựa chọn các thị trường đưa lao động đến có thu nhập tốt, được tôn trọng và bảo vệ.

Nhiều NLĐ muốn ra nước ngoài làm việc nhưng khó khăn về kinh tế đã đi chui bằng hình thức du học, du lịch, thăm thân nhân. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Rất nhiều nước khi làm việc với Bộ LĐTB&XH đều mong muốn NLĐ trước khi xuất cảnh chịu chi phí ở mức thấp nhất để không quá bị áp lực về tài chính. Có như thế, họ mới yên tâm làm việc, không phải đi vào con đường bất hợp pháp. Để làm được những việc đó rất cần sự nỗ lực từ hai phía. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 800.000 người bước vào tuổi lao động, trong khi 142.000 lượt người đi XKLĐ/năm là quá cao. Do vậy, chúng ta không thể kỳ vọng mỗi năm đưa 500.000 - 600.000 đi XKLĐ. Nếu đưa đi nhiều quá, nhân lực trong nước bị thiếu hụt và chẳng thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cho nên phải hài hòa cả hai lĩnh vực này. Bộ LĐTB&XH ước tính, trong tổng số lao động tăng thêm mỗi năm, chỉ nên có 20% đi XKLĐ, số còn lại đóng góp sản xuất, kinh doanh trong nước. Theo đó, mỗi năm chỉ nên đưa không quá 150.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

Cùng với việc hạn chế số lượng người XKLĐ, Bộ LĐTB&XH sẽ đưa ra các quy định phải ngặt nghèo để giảm trừ DN xấu, giảm được tối đa chi phí mà NLĐ phải đóng góp.

Bộ LĐTB&XH có cảnh báo gì đối với những người ra nước ngoài làm việc bằng con đường bất hợp pháp?

- Theo đánh giá của đối tác, tình trạng lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp có dấu hiệu giảm. Khi NLĐ không đi qua công ty XKLĐ sẽ gặp nhiều rủi ro tại thị trường đến. Chúng tôi khuyến cáo NLĐ có ý định ra nước ngoài làm việc lường trước các tình huống xấu có thể xảy ra để lựa chọn cách đi tốt nhất bảo vệ được mình, có việc làm tốt, không vi phạm pháp luật, không bị truy quét và trục xuất.

Xin cảm ơn ông!