Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu lao động năm 2013: Chưa thấy dấu hiệu khả quan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các thị trường truyền thống sụt giảm nhu cầu tuyển dụng lao động, trong khi thị trường mới lại chưa hấp dẫn và không dễ khai thác. Thế nên, xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2013 được dự báo sẽ khó mở rộng.

Một năm nhiều khó khăn

Theo thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), kết thúc năm 2012, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 80.320 người, chưa đạt được mục tiêu (90.000 người). Trong đó, các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, nhất là Hàn Quốc đều có sự sụt giảm lớn về số lượng.

Do có tới 15.000 lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng, phía Hàn Quốc đã dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Việc mở cửa trở lại chỉ được thực hiện khi nào Việt Nam giải quyết dứt điểm tình trạng lao động bỏ trốn.
 
Xuất khẩu lao động năm 2013: Chưa thấy dấu hiệu khả quan - Ảnh 1
Người lao động đi Hàn Quốc làm việc. Ảnh:  Mạnh Dũng
 
 Mặc dù Bộ LĐTB&XH đã tổ chức nhiều hội thảo, ban hành các chính sách chống trốn, song tình hình vẫn chưa được cải thiện. Thị trường lớn khác là Malaysia, tuy có nhiều hợp đồng tốt và nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng thu nhập lại chỉ từ 3 - 8 triệu đồng/tháng tùy công việc, nên người lao động cũng không "mặn mà".

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Lê Văn Thanh, trong năm 2013, XKLĐ sẽ còn nhiều khó khăn do những thị trường có sức tiếp nhận tốt vẫn đang "đóng băng". Cùng với đó, không thể phủ nhận thực tế, khi gặp phải cạnh tranh, lao động Việt Nam đã bộc lộ rõ những yếu điểm về tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, sức khỏe…

Do đó, mục tiêu tổng quát đặt ra năm 2013 - 2015, mỗi năm đưa 100.000 lao động đi làm việc ở ngoài nước, nhưng trước thực tế này chắc năm nay Bộ cũng chỉ đặt mục tiêu đưa 85.000 người đi XKLĐ.

Những điểm sáng

Trước những khó khăn và nguy cơ mất thị trường, năm 2013, Bộ yêu cầu ngành đẩy mạnh chấn chỉnh để giảm lao động bỏ trốn, giảm phí…

Ngoài những thị trường truyền thống có thu nhập cao, an toàn, Bộ chủ trương mở thị trường mới như Angola, Belarus... Đặc biệt, thị trường Lybia sau thời kỳ khủng hoảng đã mở cửa trở lại.

Cũng trong năm nay, công tác thanh kiểm tra sẽ được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và ngăn ngừa tình trạng lừa đảo XKLĐ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, muốn tăng số lượng XKLĐ, trước hết, người lao động phải tự giác trong việc nâng cao kỷ luật lao động, trình độ ngoại ngữ và tuyệt đối không bỏ trốn.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: XKLĐ trong năm nay sẽ đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ, tay nghề đi làm việc như chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản (năm 2013 - 2014 sẽ tiếp nhận 180 ứng viên và hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo tiếng Nhật để đưa sang Nhật Bản vào mùa xuân 2015).

Năm 2013, Cục cũng sẽ tuyển dụng thí điểm và từng bước đưa lao động sang CHLB Đức; đa dạng hóa hình thức đi làm việc ở nước ngoài như thỏa thuận về chương trình lao động kỳ nghỉ với NewZealand, Australia…

Một số thị trường như Angola, Cộng hòa Síp, Macao cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam. Có thể nói, giữa màu tối chung, bức tranh XKLĐ cũng đã xuất hiện những điểm sáng ít ỏi. Tuy nhiên, dù ở thị trường mới hay thị trường đang có nhu cầu lớn, nếu người lao động không thể hiện được thế mạnh và củng cố niềm tin của chủ lao động, cũng rất dễ bị lao động quốc gia khác giành mất cơ hội.q