Ấn tượng xuất khẩuTheo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch XK trong 8 tháng qua đạt 155,41 tỷ USD. Đáng chú ý, bức tranh XK tươi sáng hơn nhờ cơ cấu XK tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, XK các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần, tỷ trọng XK đối với các ngành công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng XK hàng hóa của Việt Nam. Chỉ riêng 5 nhóm hàng XK chủ lực là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép đã đạt 30,88 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 20% tổng kim ngạch XK của cả nước.
DN muốn nâng cao kim ngạch XK phải chuyển dịch sản xuất, làm từ nguyên liệu trong nước, tận dụng lợi ích từ các FTA. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án, chú trọng đầu tư công nghệ để có thể đáp ứng được đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường. Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc để có phản ứng kịp thời. Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang |
Bên cạnh đó, dù phải chịu nhiều biến động từ các thị trường, cũng như các rào cản phòng vệ thương mại liên tiếp được dựng lên nhưng tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng vẫn tăng. Cùng với đó, Việt Nam đã tận dụng tốt ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường XK mới. Kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường châu Á tiếp tục duy trì tăng trưởng cao như: XK vào thị trường Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%; thị trường ASEAN đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16%.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, từ nay đến cuối năm, kim ngạch XK có khả năng tăng trưởng do nhiều mặt hàng đang được đẩy mạnh sản xuất theo đơn hàng của các đối tác. Đặc biệt, một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn sẽ tăng cao và tạo động lực cho tăng trưởng XK, trong khi các mặt hàng nhóm nông thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang khiến nhu cầu của Trung Quốc, thị trường lớn nhất của nông sản Việt giảm sút.
Khó khăn không ítMặc dù XK các tháng cuối năm có cơ hội tăng trưởng nhưng DN XK cũng phải đối mặt không ít khó khăn. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng cho biết, các nước đang tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về ATTP, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc khắt khe. “Trên các thị trường nhập khẩu đã có cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Mỹ áp dụng đối với cá tra; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc... Điều này khiến sản phẩm XK của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tăng kim ngạch XK” - ông Hưng nhận định.
Đề cập đến những khó khăn của ngành dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho hay: Năm 2018 và những năm tiếp theo, ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức khi nguồn vải may phục vụ XK chủ yếu phải nhập khẩu, chiếm trên 80% nhu cầu, tạo ra tình trạng “nghẽn” tại khâu dệt nhuộm. Đa phần các hiệp định FTA đều áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa, trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên phụ liệu.
Để duy trì đà tăng trưởng XK những tháng cuối năm, Bộ Công Thương khuyến nghị, các bộ, ngành liên quan và cộng đồng DN cần hợp tác chặt chẽ để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế. Đặc biệt là vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động, thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam. DN Việt cần phải phát triển sản phẩm, tạo nguồn hàng cho XK. Đồng thời phát triển thị trường và tổ chức XK để đạt hiệu quả cao. Có như vậy mới có thể hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch XK năm 2018 đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.