Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông sản “hụt hơi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tưởng như đà tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản năm 2014 với giá trị thặng dư thương mại lên tới 9,5 tỷ USD sẽ trở thành đòn bẩy cho ngành nông nghiệp trong năm nay, nhưng thực tế 3 tháng đầu năm đang cho thấy sự “đuối sức” của một số lĩnh vực quan trọng.

Nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó

Từ nhiều năm nay, thủy sản vẫn là ngành hàng mang lại giá trị XK lớn nhất cho ngành nông nghiệp. Năm 2014, kim ngạch XK thủy sản đạt 7,92 tỷ USD, một con số kỷ lục của ngành. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2015, giá trị XK thủy sản được đánh giá là giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản đều ghi nhận mức giảm mạnh. Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng bởi tác động của việc áp thuế chống bán phá giá của Mỹ. Thêm vào đó, một số đối thủ XK thủy sản như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia có tỷ giá đồng nội tệ so với các ngoại tệ mạnh được thả nổi nên linh hoạt hơn với thị trường…
Chế biến cá tra xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang.	 Ảnh: Huy Hùng
Chế biến cá tra xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Huy Hùng
Một trong những mặt hàng nông sản XK quan trọng nữa cũng ghi nhận chiều hướng “đuối sức” là cà phê. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 3 tháng đầu năm, lượng cà phê XK ước đạt 350.000 tấn, với giá trị 734 triệu USD, giảm 41,4% về khối lượng và giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng nói là giá cà phê trong nước thời điểm hiện nay cũng đang giảm sâu, nếu như thời điểm thấp nhất trong tháng 12/2014 là trên 45.000 đồng/kg cà phê nhân thì đến nay chỉ còn 38.000 đồng/kg. Theo phân tích của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá dầu quay đầu giảm, đồng USD mạnh lên trong khi đồng tiền của các nước sản xuất hầu như mất giá nên kéo theo giảm giá của nông sản.

Ngoài 2 mặt hàng chính là thủy sản và cà phê, nhiều nông, lâm sản khác cũng giảm về sản lượng hay giá trị XK như gạo, cao su, chè, điều, tiêu, gỗ và các sản phẩm của gỗ… Điều này ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XK chung của toàn ngành từ đầu năm tới nay. Cụ thể, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản quý I đã giảm 13,2% so với cùng kỳ. Đây thực sự là một tin không mấy tốt lành cho ngành nông nghiệp khi đặt mục tiêu rất lớn trong năm nay với kim ngạch XK toàn ngành đạt 31 tỷ USD.

Vấn đề sống còn

Theo đánh giá của các hiệp hội ngành hàng và DN nông nghiệp, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy giảm XK nông, lâm, thủy sản từ đầu năm tới nay. Trong đó, ngoài khó khăn chung của thị trường thế giới thì giá thành nông sản của Việt Nam vẫn ở mức cao do chi phí vật tư đầu vào lớn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh. Thêm vào đó, lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng đối với DN hiện nay còn cao, khoảng 7 – 8%. Ngoài ra, thị trường nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao về kiểm soát chất lượng, như EU siết chặt kiểm dịch đối với hồ tiêu XK của Việt Nam hay Nga, Đài Loan (Trung Quốc) quy định chặt chẽ về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong chè…

Chính vì vậy, tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, đại diện các hiệp hội ngành hàng đều kiến nghị các bộ, ngành sớm có hướng tháo gỡ giúp DN đẩy mạnh XK nông, lâm, thủy sản trở lại. Ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT gia tăng tần suất giám sát chất lượng chè và tháo gỡ những rào cản vướng mắc của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nông sản. Đại diện nhiều DN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, tạo điều kiện cho DN có vốn đầu tư phát triển sản xuất, cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính trong thương mại nông, lâm, thủy sản…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, XK nông, lâm, thủy sản là vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp. Muốn duy trì tăng trưởng của ngành, không còn cách nào khác là thúc đẩy thương mại, làm cho XK hiệu quả hơn và đem về nhiều lợi ích hơn, tương xứng với công sức của người nông dân. Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ tập hợp các kiến nghị báo cáo Chính phủ trước 15/4 để có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy XK nông sản. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tích cực phối hợp với DN để tìm tiếng nói chung liên quan đến vấn đề XK nông sản.