Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông sản: Loay hoay bài toán chất lượng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản an toàn và bền vững, cần tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ thực vật (BVTV), kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 27/11.

Kiểm dịch vải thiều trước khi xuất khẩu sang Australia tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Gia tăng rào cản

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới. Trong đó, nhiều mặt hàng có vị thế cao trên thế giới như: Số 1 về điều, tiêu; thứ 2 về cà phê; thứ 3 về thủy sản, gạo; thứ 4 về đồ gỗ… Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn quy định về hàm lượng tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (MRL) mà các nước nhập khẩu đưa ra.
Các giải pháp xuất khẩu an toàn và bền vững phải hướng đến việc mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở 180 quốc gia như hiện nay. Vấn đề là làm sao phải cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn và tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng tại các nước xuất khẩu.

Giám đốc điều hành Crop Life Asia Siang Hee Tan
Trưởng phòng ATTP và Môi trường - Cục Bảo vệ thực vật Vương Trường Giang cũng cho hay, hàng năm Cục nhận được nhiều cảnh báo của các nước nhập khẩu, trong đó liên quan đến dư lượng thuốc BVTV của nông sản Việt Nam bị vượt quá mức giới hạn cho phép. Đáng nói, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy xuất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi. Mặc dù hiện nay, Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL, song việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần trong chuỗi giá trị bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, công ty chế biến, sản xuất, đóng gói, nông dân và người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay nông sản xuất khẩu đang chịu hai hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là ATTP và kiểm dịch động thực vật. Đối với ATTP, hóa chất rất quan trọng, bởi trong quá trình sản xuất, hầu hết các nước đều phải sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, phân bón. Tuy nhiên, nếu đáp ứng được quy định về mức dư lượng tối đa cho phép thì vẫn đảm bảo xuất khẩu tốt.

Chú trọng sản xuất theo chuỗi

Vấn đề đảm bảo ATTP nông sản đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các DN tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Do đó, cần tăng cường sự liên kết giữa DN, hợp tác xã, cơ quan quản lý trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi. Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu rau quả sang châu Âu, Mỹ, ông Jeroen Pasman - Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu, Công ty The Fruit Republic cho biết, để đảm bảo chất lượng nông sản, Công ty ký hợp đồng với các nông hộ nhỏ và cùng nông dân sản xuất, hướng dẫn họ sử dụng thuốc BVTV và quản lý dư lượng theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Giám đốc điều hành Crop Life Asia Siang Hee Tan cho rằng, cần định hướng nông dân ngay từ trong sản xuất đi theo đúng các quy chuẩn để vừa tăng sản lượng vừa đáp ứng đủ yêu cầu, tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hiện, Crop Life đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT triển khai hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên cây cao su, cà phê, hồ tiêu… ở một số tỉnh, thành. Bên cạnh đó, Công ty đang cùng Bộ NN&PTNT xây dựng một quy chuẩn hành lang pháp lý riêng cho Việt Nam nhằm đạt được các chỉ số quan trọng của các thị trường xuất khẩu chính mà Việt Nam hướng tới.

Nhằm vượt qua các rào cản thương mại đang ngày càng gia tăng từ các thị trường xuất khẩu nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các DN vượt qua rào cản, các cơ quan Nhà nước phải nắm bắt kịp thời các thông tin về rào cản của thị trường, trên cơ sở đó phổ biến cho DN xuất khẩu, người sản xuất.