Bán hàng xuyên biên giới
Ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã XK chính ngạch vào Pháp và có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris. Trước đó, Công ty CP Acific Foods đã chính thức XK lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đi Cộng hòa Séc.
Cùng với vải, các mặt hàng nông sản khác như xoài, mít, nước mắm, gạo Việt cũng đã thành công trong việc tận dụng cơ hội XK từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và TMĐT.
Nói về việc rau quả xuất khẩu sang EU với số lượng lớn trong thời gian gần đây thông qua TMĐT, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng: "XK nông sản thông qua TMĐT giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân công và quảng cáo, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng, đặc biệt là thời gian thực hiện giao dịch không giới hạn đối với tất cả khách hàng". Đứng ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ, bên cạnh việc XK vải thiều theo phương thức truyền thống, DN kết hợp hình thức bán hàng online tại các sàn TMĐT. Nhờ đó trong vụ vải 2021, công ty đã XK 1.500 tấn vải sang Nhật Bản, Singapore, Australia, Lào, Trung Quốc…
“TMĐT đã tạo cơ hội cho DN tiếp cận thị trường quốc tế với chi phí thấp hơn kinh doanh truyền thống và tăng số lượng đơn hàng. Từ lợi ích này, chúng tôi đã xác định trong tương lai TMĐT sẽ là một kênh XK nông sản chủ lực” - bà Hồng cho hay.Vẫn còn nhiều việc phải làmTMĐT được đánh giá sẽ giúp DN tăng trưởng trong bối cảnh công nghệ số được ứng dụng rộng rãi và thị trường bị ngăn cách do dịch Covid-19. Thế nhưng, chưa có nhiều DN Việt Nam tận dụng hoặc thành công từ công cụ này. Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh nhận định: "Mặc dù nhận thấy lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế nhưng nhiều DN Việt Nam vẫn còn chần chừ vì chưa quen với thủ tục liên quan XK qua TMĐT xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này".Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm tháo gỡ trong việc đưa hàng hóa lên sàn TMĐT tiêu thụ. Đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, các mạng xã hội cũng đang nổi lên như một môi trường giao dịch TMÐT phổ biến nhưng lại chưa được điều chỉnh và kiểm soát tốt. Cùng với đó là những chồng lấn pháp lý khiến lĩnh vực này đang trở nên khó kiểm soát.Để khắc phục những hạn chế và thúc đẩy sự phát triển TMĐT, Phó Tổng Giám đốc sàn TMĐT Sendo Nguyễn Quang Thuật kiến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện mô hình thanh toán TMĐT, xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động trên môi trường trực tuyến...
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm xây dựng chiến lược được, hoạch định rõ việc chống lại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng. Đặc biệt, cần có các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an ninh an toàn trên môi trường mạng, có như vậy mới có thể thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững.Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình phát triển TMĐT, qua đó tăng kim ngạch XK, Bộ Công Thương đang dự thảo xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NÐ-CP về TMÐT. Trong đó, bổ sung những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động TMÐT; quy định về hoạt động TMÐT có yếu tố nước ngoài qua đó giải quyết những vướng mắc, bất cập liên quan đến nhóm đối tượng này. Thêm vào đó là những quy định bắt buộc công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn TMÐT giúp phòng, chống gian lận thương mại...
"TMĐT là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ, nhờ đó các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng nhất với người tiêu dùng, đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian và nâng cao độ tin cậy, chính xác rất cao trong quá trình giao thương. Phương thức này càng trở nên tiện ích và thể hiện ưu thế vượt trội khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |