Chưa nhiều dấu hiệu khả quan
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến đầu tháng 6/2024, các doanh nghiệp đã xuất khẩu tôm sang 103 quốc gia, thu về khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ, tuy nhiên một số thị trường lại ghi nhận xu hướng giảm nhập khẩu tôm. Cụ thể tại Hoa Kỳ, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm đạt 229 triệu USD. Dù tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng xuất khẩu chỉ ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại hai tháng 4, 5 đều giảm.
Cũng trong 5 tháng đã qua của năm 2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu vào hai thụ trường nêu trên lại giảm dần qua từng tháng.
Tại 2 thị trường lớn khác là Hàn Quốc và Nhật Bản, tình hình xuất khẩu tôm cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tháng qua đến hai thị trường trên giảm lần lượt 9% và 4%.
Theo Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), hiện diện tích nuôi tôm cả nước vào khoảng 737.000ha. Sản lượng tôm thu hoạch tính đến tháng 6/2024 đạt 372.000 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia).
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD. So với mục tiêu cả năm, con số 1,3 tỷ USD đạt được mới chỉ chiếm khoảng 30 - 32%. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành tôm trong nước vào những tháng cuối năm 2024.
Chủ động thích ứng khó khăn
Theo Phó Chủ tịch VASEP Đỗ Ngọc Tài, sự sụt giảm về xuất khẩu tôm đến khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát cao (nhất là tại Hoa Kỳ) và chiến tranh Nga - Ukraine chưa có hồi kết.
Bên cạnh đó, tôm của Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt về giá xuất khẩu sang Trung Quốc với tôm của các nguồn cung đối thủ, đặc biệt là Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
3 nước này bị Hoa Kỳ áp thuế cao nên nhiều khả năng trong những tháng tiếp theo, sẽ tập trung khai thác nhiều vào thị trường Trung Quốc, khiến xuất khẩu của Việt Nam được dự báo thêm phần khó khăn.
Chia sẻ thêm về thách thức với ngành tôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Fimex Hồ Quốc Lực cho biết giá xuất khẩu tôm bình quân hiện nay chỉ bằng 2/3 so với cách đây 5 năm. Cùng với sức tiêu thụ giảm do suy thoái kinh tế, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh cũng đang khiến ngành tôm bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh xuất khẩu sang một số thị trường gặp khó thì thị trường châu Âu (EU) lại đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Xuất khẩu tôm sang EU tính đến tháng 6/2024 đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng quan trọng hơn là tỷ trọng xuất khẩu tăng liên tiếp hai tháng 4 và 5.
Theo đánh giá, dù còn nhiều thách thức, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu tôm có thể tăng nhẹ từ quý III/2024 khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngành tôm hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, cần làm tốt công tác quản lý, kiểm tra chất lượng nguồn giống để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, giảm rủi ro và chi phí sản xuất để giá tôm bán ra cạnh tranh hơn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, hướng đến sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 6/2024, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm mặt hàng cua, ghẹ tăng trưởng mạnh nhất (tăng 84%), tiếp đến là nhuyễn thể (tăng 13%), cá tra (4%)…