Số liệu của Tổng cục Thông kê cho thấy, kết thúc tháng 6/2020, Việt Nam đạt kim ngạch XK 121 tỷ USD nhưng hết tháng 12/2020, con số này đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại quốc gia đạt mức xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa XK cải thiện theo chiều hướng giảm hàm lượng XK thô, tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Việt Nam xuất siêu là nhờ nền kinh tế có mức tăng trưởng dương, sức chống chịu của DN trước dịch Covid-19 được cải thiện đáng kể, đồng thời đã tận dụng được những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs). Điều này giúp DN tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị hàng hóa XK, nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản vốn là lợi thế của Việt Nam.Đồng tình với phân tích này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng: Trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19 chuyển dịch cơ cấu về thành phần XK đã có dấu hiệu tích cực, khi XK khối DN Việt có mức tăng trưởng cao hơn DN FDI. “Năm 2020, kim ngạch XK TP Hà Nội đạt 16 tỷ USD, trong đó DN trong nước đạt 9,8 tỷ USD, chiếm 61,5% tổng kim ngạch XK, DN FDI chỉ đạt 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38,5%” - bà Lan nêu ví dụ.Thực tế cho thấy, để đối phó với dịch Covid-19, các DN bên cạnh việc duy trì thị trường truyền thống đã nỗ lực tìm kiếm thị trường XK mới, qua đó giảm thiệt hại do hàng hóa bị ngưng trệ. Nắm bắt cơ hội mớiTrong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, các DN đã nỗ lực thực hiện nhiều cách thức XK mới như: Xúc tiến thương mại trực tuyến, XK thông qua các sàn thương mại điện tử, hoặc tập đoàn bán lẻ nước ngoài… Đẩy mạnh kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với các thị trường có khả năng phục hồi sớm như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các trang thương mại điện tử uy tín nên sản phẩm XK Thạch Bàn qua thương mại điện tử đã chiếm tỷ lệ 20% sản lượng hàng XK. Cùng với đó, khi XK hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập vào hệ thống bán lẻ nước ngoài như: AEON, Central Retail, MM Mega Market...Bên cạnh việc XK thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế, thương mại điện tử, ngành công thương đã hỗ trợ DN tận dụng các Hiệp định Thương mại (FTA) đã có hiệu lực. Nói về những lợi ích mà FTA mang lại cho DN thời kỳ hậu Covid-19, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phân tích: Sự tác động của các FTA ngoài cái nhìn thuần túy về thị trường còn mang đến hiệu quả lớn về đối tác, công nghệ, mặt hàng chiến lược. Bởi ngoài XK, các FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao.Nhìn lại năm 2020, kim ngạch XK Việt Nam dù được đánh giá là tăng trưởng cao trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, để XK phát triển bền vững bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đòi hỏi mỗi DN phải chủ động nắm bắt thông tin thị trường, có kế hoạch sản xuất, XK phù hợp, tăng cường hợp tác với các đối tác đã ký FTA với Việt Nam, qua đó từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.