Kinhtedothi - Các chỉ số thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu 1,7 tỷ USD, bằng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK). Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 11,8 tỷ USD, bằng 18,1% kim ngạch XK của khu vực này; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,1 tỷ USD, bằng gần 31,8% kim ngạch XK.
Ghi nhận những bước chuyển
Việc xuất siêu như trên là một tin vui về cán cân thương mại với nước ngoài của Việt Nam. Tin vui này được xét trên các góc độ khác nhau.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet
|
Đầu tiên đó là thành tích xuất siêu có được do XK cao hơn nhập khẩu (NK) cả về quy mô tuyệt đối, cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 14,1% so với tăng 12%). Tăng trưởng XK đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ lực, trong đó, mới qua 8 tháng đã có 16 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Cũng mới qua 8 tháng đã có khoảng 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó cao nhất là thị trường Mỹ với 18,5 tỷ USD, Nhật Bản: 9,9 tỷ USD, Trung Quốc: 9,8 tỷ USD, Hàn Quốc: 4,3 tỷ USD... Ở góc độ khác, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu trong cùng kỳ năm trước (lên tới 2,77 tỷ USD) sang xuất siêu. Từ những kết quả đạt được cũng như đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm, các chuyên gia đã dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục xuất siêu trong cả năm 2014. Nếu dự báo này là đúng thì đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 9 triệu USD, năm nay có thể cao hơn năm trước).
Việc xuất siêu hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối (hiện đạt mức 35 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay), bảo đảm được an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia, góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát...
Vượt thách thức về nội lực
Mặc dù kết quả xuất siêu trong thời gian qua thể hiện nỗ lực vượt khó của nền kinh tế nhưng nếu xét cụ thể thì niềm vui đó chưa trọn vẹn. Nhìn tổng quát, xuất siêu không phải do hàng hóa của Việt Nam có hiệu quả và sức cạnh tranh cao lên để "thắng trên sân người" khi XK hoặc "thắng trên sân nhà" khi hàng hóa nước ngoài NK vào Việt Nam. Ở khía cạnh khác, xuất siêu hoàn toàn do khu vực FDI; còn khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu lớn. Đây là dấu hiệu để có người nói rằng Việt Nam đang "tiêu thụ hộ, XK giùm".
Đặc biệt, có một thực tế cần lưu tâm, đó là việc chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu có nguyên nhân quan trọng là do tổng cầu ở trong nước yếu đi. Trong thời kỳ 2011 - 2013, tốc độ tăng tích lũy và tiêu dùng cuối cùng đạt thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (3,41% so với 5,64%). Tỷ lệ tích lũy/GDP năm 2013 thấp hơn năm 2010 (26,59% so với 35,69%); tỷ lệ đầu tư/GDP giảm mạnh (từ 43,2% năm 2010 xuống còn 30,4% năm 2013); tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP giảm (từ 72,55% xuống còn 71,19%).
Một thực tế nữa cũng rất cần phải nhìn nhận là tuy xuất siêu nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, tính gia công, lắp ráp của nền kinh tế còn lớn, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, nên tỷ trọng NK máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thấp hơn tỷ trọng NK nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, XK... Là nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam lại NK nhiều nông, lâm, thủy sản, nguyên liệu cho chế biến tiêu dùng nông, lâm, thủy sản... Chính vì thế, mặc dù xuất siêu nhưng thị trường trong nước lại ở vị thế nhập siêu của những thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... Trong đó, riêng năm 2013, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc gần 37 tỷ USD, 8 tháng năm 2014 đã lên tới 17,8 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc năm 2013 là 14,1 tỷ USD, 8 tháng năm nay cũng đã đạt 9,7 tỷ USD.
Từ những phân tích trên cho thấy, cùng với kết quả xuất siêu cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với nền kinh tế Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu hàng hóa NK và cơ cấu thị trường NK, tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ... để xuất siêu một cách bền vững. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết nhằm tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) .