KTĐT - Với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 10 khoảng 1,72 tỷ USD, trong 10 tháng qua, nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 22,53% so với cùng kỳ năm 2009. Đặt trong tương quan với 10 tháng năm 2008, con số này vẫn tăng tới 13%.
Nông nghiệp đang trở thành “lực đỡ” khá tốt cho nền kinh tế, xét cả trên phương kiện kinh tế mang lại và ổn định kinh tế, xã hội“Xuất nhập khẩu nông, lâm và thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng khả quan”, báo cáo đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp 10 tháng năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lý khi đưa ra nhận định như vậy.
Tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm nông, lâm và thủy sản đạt trên 22% và xuất siêu 5,2 tỷ USD trong 10 tháng, nông nghiệp đang trở thành “lực đỡ” khá tốt cho nền kinh tế, xét cả trên phương kiện kinh tế mang lại và ổn định kinh tế, xã hội.
Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn
Với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 10 khoảng 1,72 tỷ USD, trong 10 tháng qua, nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 22,53% so với cùng kỳ năm 2009. Đặt trong tương quan với 10 tháng năm 2008, con số này vẫn tăng tới 13%.
Rất nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2009 và cả năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu 10 tháng năm 2010 đạt 7,89 tỷ USD, tăng 18,14%; thuỷ sản đạt 3,98 tỷ USD, tăng 14,46%; các mặt hàng lâm sản chính tăng tới 33,09% so với cùng kỳ năm 2009 với giá trị 2,91 tỷ USD.
Trong 13 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD tính đến thời điểm này, nông nghiệp có tới 5 sự góp mặt, gồm gạo, cà phê, cao su, thủy sản và đồ gỗ. Riêng thủy sản đang gần đuổi kịp dầu thô để trám vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu.
Nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mức 57,78 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, riêng nông sản đã chiếm tỷ trọng khoảng 27%. Nếu trừ đi kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI, chỉ tính riêng trong nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm tới 58,2%, một con số thuyết phục cho thấy khả năng cạnh tranh của nông sản so với các sản phẩm khác từ khu vực kinh tế trong nước.
Với lĩnh vực không có được sự bảo hộ khi Việt Nam gia nhập WTO, rất ít chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, nhân lực hướng tới thì con số trên cũng hàm ý nhiều điều cho những người hoạch định chính sách.
Xuất ròng 5,2 tỷ USD
Một điểm đáng chú ý khác, liên quan đến thâm hụt cán cân vãng lai, vấn đề vĩ mô quan trọng nổi lên gần đây, ngành nông nghiệp đang trở thành lực đỡ đáng kể.
Với tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông, lâm, thuỷ sản 10 tháng ở mức 10,4 tỷ USD, nông nghiệp đang xuất siêu tới 5,2 tỷ USD, cao hơn nhiều con số khoảng 2 tỷ USD của khu vực FDI, đã bao gồm cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô.
Ở điểm này, có một lưu ý đáng quan tâm khác, nhập siêu của cả nước tính đến tháng 10 ước khoảng 9,5 tỷ USD. Nếu FDI xuất siêu 2 tỷ USD và nông nghiệp thêm 5,2 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước, không tính nông nghiệp, đã nhập siêu quá lớn.
Trong quá trình hướng tới một nền kinh tế công nghiệp hiện đại, phải chăng công nghiệp hóa nông nghiệp cần được tính đến để giải quyết vấn đề “tồn đọng” quá lâu về thâm hụt vãng lai?
Có những nghiên cứu cho rằng nông nghiệp là ngành có độ lan tỏa cao, đem lại hiệu quả lớn khi dòng đầu tư và các định hướng chính sách hướng tới nó. Đặt trong các con số kể trên, có lẽ cũng cần một nghiên cứu sâu hơn.
Cơ hội đang đến?
Những cú sốc về thiếu hụt năng lượng và lương thực gần đây đang là vấn đề được toàn thế giới quan tâm.
Sự nóng lên của giá dầu thô năm 2008 khiến nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu phải nghĩ lại hướng đi của mình. Cao su nhân tạo, chế phẩm từ dầu thô, không còn được trọng dụng và giá cao su thiên nhiên nhanh chóng tăng gần gấp hai lần.
Với Việt Nam, giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng năm 2010 đạt 2767 USD/tấn, tăng tới 84,03% so với cùng kỳ. Chỉ cần tăng 7,66% về sản lượng xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã thu về 1,67 tỷ USD, tăng tới 92,43% so với cùng kỳ 2009.
Tương tự là gạo, xuất khẩu “ngọc thực” 10 tháng năm 2010 ước đạt 5,66 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,63 tỷ USD, tăng 4,9% về lượng nhưng tăng 9,24% về giá trị.
Xuất khẩu hạt điều 10 tháng 2010 ở mức 160 nghìn tấn với trị giá 888 triệu USD, tăng 9,21% về khối lượng và tới 29,33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. So với năm trước, giá điều xuất khẩu bình quân 10 tháng của Việt Nam đã tăng khoảng 900 USD/tấn, ở mức 5549 USD/tấn.
Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng nên được nhắc đến. Xuất khẩu sản phẩm chè 10 tháng 2010 ước đạt 113 nghìn tấn, kim ngạch đạt 162 triệu USD, xấp xỉ về lượng và giá trị tăng 10,54% so với cùng kỳ. Giá hạt tiêu xuất khẩu trung bình 10 tháng 2010 đang ở mức 3389 USD/tấn, tăng 38,48% so với cùng kỳ…
Ngay cả cà phê, vốn là sản phẩm có giá xuống thấp trong nửa đầu năm nay thì gân đây cũng đã cải thiện đáng kể về giá. So với mức sụt giảm hồi đầu năm, hiện giá cà phê đang ở mức cao do hạn chế nguồn cung trong ngắn hạn.
Xuất khẩu thủy sản cũng tăng trưởng khá trong năm nay. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng 2010 đạt 3,98 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.