Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất siêu trở lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong quý I, cả nước đã xuất siêu 1,364 tỷ USD, cao gấp đôi so với ước tính ban đầu 776 triệu USD của Tổng cục Thống kê.

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu (XK) tăng 6,6%, trong khi nhập khẩu (NK) giảm 4%, nên Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu sang xuất siêu. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu cao hơn nhiều so với cùng kỳ (5,29 tỷ USD so với 2,02 tỷ USD), do XK tăng 8,6%, còn NK giảm 5,5%. Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm cả về quy mô tuyệt đối (3,92 tỷ USD so với 4,61 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với XK (26,3% so với 42,7%), do XK tăng 1,7%, còn NK giảm 3,2%.
Xuất/nhập khẩu và xuất/nhập siêu quý I (Đơn vị: Tỷ USD)
Xuất/nhập khẩu và xuất/nhập siêu quý I (Đơn vị: Tỷ USD)
Đóng góp vào việc chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu có nhiều yếu tố. Trước hết đó là tăng trưởng kim ngạch XK cao hơn tốc độ tăng chung có hàng rau quả, hạt điều, gạo, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, túi xách, giày dép, điện thoại các loại và linh kiện... Qua 3 tháng đã có 24 mặt hàng đạt trên 250 triệu USD (là tín hiệu khả quan để cả năm tham gia “câu lạc bộ” trên 1 tỷ USD). Trong khi kim ngạch nhiều mặt hàng NK giảm hơn tốc độ giảm chung là xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm khác từ dầu mỏ, xơ sợi dệt... Tốc độ giảm giá NK lớn hơn giá XK (8,85% so với 4,8%).

Về thị trường, trong 85 thị trường XK chủ yếu có 28 thị trường đạt trên 250 triệu USD, trong đó có 9 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hongkong (Trung Quốc), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hà Lan, Anh). Có 62 thị trường Việt Nam xuất siêu, lớn nhất là Mỹ (96,6 tỷ USD), tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (1,28 tỷ USD), Hà Lan (1,15 tỷ USD)... Tuy nhiên, xuất siêu ở một số thị trường bị giảm so với cùng kỳ. Ở đầu ngược lại, nhập siêu giảm ở một số thị trường so với cùng kỳ (Trung Quốc: 6,47 tỷ USD so với 7,7 tỷ USD, Hàn Quốc: 4,7 tỷ USD so với 4,77 tỷ USD, Đài Loan (Trung Quốc): 2,11 tỷ USD so với 2,18 tỷ USD, Singapore: 0,81 tỷ USD so với 0,94 tỷ USD...). Tuy nhiên, mức nhập siêu như trên vẫn còn rất lớn và có một số thị trường nhập siêu tăng so với cùng kỳ (Thái Lan: 982 triệu USD so với 833 triệu USD, Malaysia: 317 triệu USD so với 174 triệu USD, Brazil: 285 triệu USD so với 162 triệu USD...).

Xuất siêu là sự chuyển vị thế trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô... Tuy nhiên, đó cũng là kết quả thể hiện nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước còn yếu và tác động đến đầu tư, sản xuất, tiêu dùng trong chu kỳ sau.