Vẫn mạnh ai nấy làm
Tại hội nghị chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam thừa nhận: Các hoạt động xúc tiến quảng bá còn thiếu tính chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao.
Việc triển khai chưa có trọng điểm, chưa có chiều sâu và chưa đáp ứng yêu cầu theo đuổi thị trường mục tiêu. Kinh phí dành cho XTDL còn rất khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Việc huy động các nguồn lực tham gia XTDL còn ở mức thấp và còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Vịnh Hạ Long, điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp lữ hành thì cho rằng, hoạt động xúc tiến quảng bá của du lịch Việt Nam vẫn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ và liên kết phối hợp. Ở các địa phương có tiềm năng du lịch, hoạt động XTDL manh mún, dàn trải, lãng phí và hiệu quả thấp. "Các đơn vị từ T.Ư đến địa phương thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch vẫn đang trong tình trạng "mạnh ai nấy làm"…
Những cam kết trong liên kết hợp tác vẫn chỉ mang tính chung chung theo kiểu "ghi nhớ, hứa hẹn", chưa có lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bên hợp tác và không thống nhất được cách thức triển khai" - ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Hồ Chí Minh nhận xét.
Đẩy mạnh liên kết vùng miền
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của hoạt động quảng bá XTDL là mục tiêu quan trọng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, cần phải có cách tiếp cận và hành động chiến lược, bài bản, hệ thống, gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu thị trường, phát triển và quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển thương hiệu du lịch từ T.Ư đến địa phương và từ khu vực Nhà nước đến tư nhân.
Ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, nên đẩy mạnh liên kết giữa ngành du lịch với các bộ, ngành liên quan (hàng không, giao thông vận tải, thương mại, ngoại giao, công thương, đường sắt, đường thủy...) bằng việc xây dựng lộ trình và phát huy các cơ chế phối hợp liên ngành, tạo thuận lợi phát triển du lịch.
Chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch từng địa phương phải được xây dựng, điều chỉnh phù hợp với Chiến lược xúc tiến du lịch tổng thể của quốc gia.
Từng địa phương cần tạo dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm du lịch đặc trưng của mình trên cơ sở nghiên cứu kỹ tính liên kết vùng, địa phương. Còn các doanh nghiệp du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để kết nối với các nguồn khách…
Riêng với doanh nghiệp, công tác xây dựng sản phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động XTDL. Ông Phạm Quang Hưng, Công ty Du lịch Vietravel, cũng đồng tình với việc xác định sản phẩm đặc trưng và mang tính mũi nhọn cho từng giai đoạn.
Đặc biệt là gắn với những thế mạnh nổi trội, mang yếu tố tích cực, đặc thù của từng địa phương, đất nước. Tuy nhiên, "khai thác yếu tố "khác biệt" làm điểm nhấn để hình thành sản phẩm dẫn dắt cho việc xây dựng chuỗi sản phẩm và dịch vụ liên quan. Tăng cường hợp tác giữa khu vực Nhà nước và doanh nghiệp trong quảng bá XTDL theo phương châm "cùng có lợi" và "hướng về doanh nghiệp" nhiều hơn" - ông Hưng bày tỏ.
"Bài học của Đà Nẵng trong hoạt động XTDL thông qua việc tổ chức các sự kiện tại TP là: Hướng tới tổ chức/đăng cai các sự kiện độc đáo, uy tín, có quy mô quốc tế, phù hợp với điều kiện địa phương; Phát triển các sự kiện có sự tham gia của cộng đồng và du khách. Sự kiện phải được tổ chức định kỳ để cộng đồng và du khách ghi nhớ. Và, phải đảm bảo sự ủng hộ của người dân địa phương và cam kết hợp tác, hỗ trợ của các nhà đầu tư".
Ông Nguyễn Xuân Bình Giám đốc Trung tâm XTDL Đà Nẵng
|