Tuy nhiên, muốn nắm được cơ hội này đòi hỏi DN phải chủ động kết nối với tham tán thương mại, tìm hiểu thị trường, đối tác một cách thực chất hơn.
Thiếu thông tin, khó xuất khẩu
Chia sẻ tình hình thực tế việc tiếp cận thị trường mới thông qua hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho biết: “Cuối tháng 3 vừa qua, Phòng Thương mại Colombia Việt Nam đã có cuộc trao đổi với VINASME về chương trình hợp tác tìm hiểu thị trường giữa DN 2 nước. Cuộc trao đổi cho thấy, mặc dù DN Việt mong muốn XK hàng hóa sang Colombia nhưng để làm được điều này cần tìm đối tác phù hợp cũng như các thông tin về DN, thị trường Colombia” - ông Nam nói.
Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi thông tin các mặt hàng tại một hội chợ thương mại diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Không chỉ có vậy nhiều DN phản ánh chương trình XTTM chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như tổ chức các đoàn DN tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất, dẫn đến việc thiếu thông tin cho DN khi thị trường mở cửa.
Thậm chí, tại thị trường khu vực ASEAN, DN Việt cũng không nắm được danh sách khách hàng tiềm năng cũng như các đối thủ cạnh tranh, hoặc những thông tin về thị trường dành cho người Hồi giáo trong khu vực. Khảo sát HSBC Navigator 2018 do Ngân hàng HSBC thực hiện cho thấy, đa số DN Việt thiếu thông tin về chính sách và các FTAs nên thường tập trung vào các thị trường gần mà thiếu chú trọng các thị trường xa.
Thay đổi tư duy, chủ động kết nối
Mới đây tại hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu hỗ trợ DNNVV Việt Nam” do Cục XTTM (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Đại diện thương mại & đầu tư Pháp tổ chức, nhiều DN đã kiến nghị: Để đẩy mạnh hoạt động XK, các tham tán thương mại cần thay đổi cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng dự báo để DN chủ động hơn trong sản xuất.
Trước kiến nghị của DN, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ: Chính bản thân DN cần chủ động kết nối, cung cấp thông tin, trên cơ sở đó tham tán thương mại cũng sẽ phản hồi, cung cấp lại thông tin cần thiết cho DN, nghĩa là cần có trao đổi hai chiều.
Bên cạnh đó, các DN có thể tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường qua các kênh khác nhau. Trường hợp cần hỗ trợ của thương vụ, DN cần thông tin đầy đủ, cụ thể và rõ ràng về nhu cầu để thương vụ có cơ sở phối hợp tìm kiếm, làm việc với các đối tác nhanh chóng và hiệu quả cao. Mặt khác, các hiệp hội phải phát huy vai trò cầu nối, chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các thương vụ từ xây dựng kế hoạch nghiên cứu thị trường, đến việc triển khai các hoạt động XTTM.
Theo Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú, từ nay đến cuối năm Cục sẽ tập trung đổi mới phương thức triển khai các hoạt động theo hướng tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động XTTM qua đó hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài tạo dấu ấn nhận diện thương hiệu Việt và có sự liên kết vùng miền khi tổ chức các sự kiện XTTM trong nước.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, song theo các chuyên gia kinh tế, Bộ chủ quản mà cụ thể là Cục XTTM cần thay đổi tư duy từ đơn vị quản lý sang đối tác của DN, hỗ trợ DN phát triển. Về phía các DN cũng không nên trông chờ hoàn toàn vào các tham tán thương mại mà cần phải tự thân vận động để giành cơ hội giao thương...
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch số 50/KH-UBND triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội năm 2019. Theo đó, TP hướng tới phát triển “nền XK nhanh và bền vững”, trong đó tập trung vào các giải pháp thúc đẩy XK gắn với thương hiệu Việt. Triển khai hoạt động XTTM có trọng tâm, trọng điểm tại thị trường nước ngoài phù hợp với tiến trình hội nhập và các FTAs. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động XTTM có quy mô lớn, mang tính định hướng, dẫn dắt thị trường, chủ động lựa chọn đối tác chiến lược từ các nước phát triển và các nước đang phát triển để hiện thực hóa các mục tiêu thu hút đầu tư. |