Xúc tiến thương mại online: Tạo cơ hội cho hàng Việt chinh phục thị trường ''khó tính''

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ''Xúc tiến thương mại (XTTM) online đang là giải pháp tối ưu để DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt, qua đó giúp DN vượt “bão” Covid-19'' - Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị.

 Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh
Dịch Covid-19 liên tục bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động XTTM mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như thế nào thưa bà?
- Dịch Covid-19 lan rộng, nhiều nước trên thế giới trong đó có những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đóng cửa biên giới kéo theo kênh giao thương truyền thống bị “đóng băng”. Để bảo đảm xuất khẩu hàng hóa được liên thông trong tình hình mới, nhiều nước đã chuyển sang hoạt động XTTM online.  
Thực tế cho thấy, những DN nhanh nhạy, sớm chuyển đổi từ mô hình tham gia hội chợ trực tiếp sang trực tuyến online đã tăng kim ngạch xuất khẩu, khai thác thị trường mới, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động XTTM đã nảy sinh nhiều hạn chế, do nhiều rào cản về công nghệ kéo theo hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân là do số lượng DN, hợp tác xã biết cách sử dụng công nghệ trong quá trình bán hàng, marketing còn rất hạn chế mặc dù đa phần người dân, DN đều sử dụng điện thoại thông minh nhưng chưa biết cách phát sóng trực tiếp (livestream) bán hàng, kết nối với đối tác tiêu thụ sản phẩm.
HPA là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ XTTM của TP Hà Nội, vậy theo bà trong thời gian tới, DN và cơ quan quản lý nên có giải pháp khắc phục những hạn chế trên như thế nào?
- Để có thể khắc phục những hạn chế trong hoạt động XTTM, DN nên đẩy mạnh tiếp cận phương thức bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Sendo, Voso, Lazada… qua đó quảng bá sản phẩm tới đối tác tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử tiêu thụ, quảng bá đòi hỏi DN sản xuất phải đáp ứng quy định, quy chuẩn chất lượng mà các đơn vị tiêu thụ đặt ra.
Riêng cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động XTTM qua đó hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên kênh thương mại điện tử tại thị trường trong và ngoài nước. Chẳng hạn tại thị trường nội địa, Cục XTTM (Bộ Công Thương) cần đẩy mạnh kết nối đưa hàng nông sản lên các website như: Tự hào hàng Việt, Nông sản an toàn... Riêng HPA, trong thời gian qua việc vận hành website Nông sản an toàn đã hỗ trợ 300 DN kết nối với sàn thương mại điện tử Sendo quảng bá , tiêu thụ sản phẩm. Ngoài Sendo, HPA liên kết với các website Tự hào hàng Việt, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… qua đó hỗ trợ DN quảng bá mạnh hàng Việt tới người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế.
XTTM Online với website Sendo với DN Hà Nội do HPA tổ chức. Ảnh chụp trước thời điểm 26/4/2021

Theo bà, các DN trong nước cần làm gì để có thể thâm nhập sâu hơn tới các thị trường truyền thống, mở rộng khai thác thị trường mới thông qua hoạt động XTTM online?
- Nếu như nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc kết nối, đàm phán mở cửa thành công được coi là điều kiện cần thì nỗ lực từ phía cộng đồng DN Việt trong đổi mới hoạt động sản xuất, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường là điều kiện đủ để tham gia XTTM online.
Theo đó, các DN cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Bên cạnh đó, DN cần xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong XTTM online, DN cần có 5 yếu tố chính để thành công. Cụ thể DN phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; Có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp. Cùng với đó, DN cần hoạt động tích cực nhằm nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là để tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt, nên các DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho công tác bán hàng từ khâu marketting, bán hàng cho tới chăm sóc khách hàng... DN được chuyển đổi số giống như trên bệ phóng, nếu bệ phóng tốt sẽ giúp DN xuất khẩu trực tuyến có kết quả cao, nhanh, tối ưu hiệu quả.
 Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần hàng Việt do HPA tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh chụp trước thời điểm 26/4/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, HPA sẽ triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ DN kết nối tiêu thụ sản phẩm?
- Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá hàng Việt tại thị trường trong nước, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi HPA sẽ tiến hành một loạt sự kiện quảng bá cũng như đào tạo tập huấn cho DN, hợp tác xã tiếp cận được với cách thức kinh doanh hiện đại.
Vừa qua, HPA cũng đã kết nối với siêu thị Thanh Bình Jeune (Pháp) tiêu thụ sản phẩm nông sản đã chế biến. Dự kiến cuối tháng 6/2021, HPA phối hợp với Tập đoàn Aeon tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” để quảng bá cho các sản phẩm của Hà Nội tại 300 điểm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng của Aeon trên khắp Nhật Bản.
Ngoài ra từ nay đến cuối năm HPA và siêu thị Aeon sẽ tổ chức hội chợ hàng Việt, qua đó giúp DN tiếp cận được hệ thống phân phối của Aeon. Năm nay, HPA  phấn đấu 20% trên số lượng gian hàng tham gia hội chợ là hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề, đồng thời sẽ quảng bá tới người tiêu dùng và các nhà thu mua của Aeon và các siêu thị 200-300 trong số 1.000 sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội.
Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần