Cũng như với Bắc Triều, ông chủ Nhà Trắng hôm 26/6 đe dọa "xóa sổ" quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, khẳng định sức mạnh của Mỹ nếu chiến tranh xảy ra. Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani mô tả Washington là một kẻ có vấn đề về tâm thần.
Theo các chuyên gia, Mỹ đang sử dụng một cách tiếp cận kép. Một mặt, nước này đẩy mạnh các mối đe dọa trừng phạt leo thang và bắt đầu một chiến dịch trong khu vực để xây dựng liên minh chống Iran - được chính quyền Trump gọi là "gây áp lực tối đa". Mặt khác, ông Trump cũng nhấn mạnh sẵn sàng ngồi xuống với các đối tác Iran mà không cần điều kiện tiên quyết, và thể hiện sự "nhân đạo" của người Mỹ bằng cách rút lại một cuộc phản công quân sự ngay sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
Đây được xem là nghệ thuật ngoại giao sở trường của Tổng thống Trump: Tạo ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhưng không để va chạm, sau đó chủ động giải quyết nó. Con đường này đã diễn ra với Bắc Triều Tiên, khi các cuộc khẩu chiến cá nhân thực sự đã dẫn đến các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo. Dù những hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được cho là vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả gì cụ thể, nhưng việc lãnh đạo Trump - Kim gặp nhau đã mang lại những tiếng vang đáng kể cho cả hai bên.
Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý, Tehran khác Bình Nhưỡng, khi ít có sự khao khát về những công nhận và uy tín của quốc tế - điều mà Chủ tịch Kim đạt được từ các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.
Iran cũng chưa hẳn cần "trở nên vĩ đại trở lại" như lời ông Trump đã hứa - với cả Tehran và Bình Nhưỡng, bởi những người Hồi giáo vốn tự hào về lịch sử, văn hóa và khả năng của họ. Cam kết MIGA của Tổng thống Mỹ vì vậy mà có thể trở thành sự xúc phạm trong mắt người Iran thay vì một cơ hội.
Những gì người Iran muốn chính là thỏa thuận đa phương mà họ đã đồng ý năm 2015, trong đó bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong khi việc chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có nghĩa đã báo hiệu sự thiết lập lại hoàn toàn các mục tiêu và kỳ vọng của Mỹ. Vì vậy, bất cứ tiến bộ nào lúc này để hướng tới khả năng đàm phán giữa 2 nước cũng sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp từ những "cái đầu lạnh" hơn ở cả Washington và Tehran.