KTĐT - Nghiên cứu vừa được đăng tải trên tờ Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cho biết, thạch tín và nhiều hóa chất độc hại khác đang gây ô nhiễm nguồn nước ở Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của khoảng 7 triệu người.
Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà nghiên cứu do Michael Berg, thuộc Viện Công nghệ và khoa học về nước của Thụy Sỹ đứng đầu. Nghiên cứu này chỉ ra, khoảng 65% giếng nước trong khu vực chứa hàm lượng asen (thạch tín), mangan, selen và bari… không an toàn. Nguyên nhân của việc nhiễm độc do người dân bơm nước từ các tầng ngậm nước sâu suốt hơn một thế kỷ nay, khiến asen ở trong nước trên mặt đất ngấm xuống dưới.
Các nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu Chulabhorn Thái Lan đã cảnh báo: nguồn nước nhiễm asen nặng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của bà mẹ có thai và trẻ sơ sinh cũng như sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, người uống nước ô nhiễm asen lâu ngày sẽ có triệu chứng đầu tiên như có các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân. Asen còn có thể gây ung thư gan, phổi, bàng quang và thận, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp... Từ nhiều năm trước đây, thực trạng nước nhiễm asen ở nước ta ở mức báo động tại hai khu vực là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã được cơ quan chức năng Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn báo cáo.
TS Nguyễn Duy Bảo, Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường - Bộ Y tế khẳng định, một số nghiên cứu do Unicef tiến hành tại hai khu vực này đã nhận định: mức độ ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Việt Nam rất nghiêm trọng.
Theo quy định của quốc tế và cộng đồng châu Âu, nồng độ asen trong nước chỉ là dưới 0,01 mg/l thế nhưng tại khu vực đồng bằng sông Hồng mức nhiễm asen thường cao gấp hàng chục lần mức này, đó là: Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định. Nhiễm nặng nhất là tỉnh Hà Nam, có tới 80% giếng khoan ở tỉnh này nhiễm asen cao ở mức nguy hiểm, gấp 100 đến 500 lần cho phép.
Kết quả điều tra sơ bộ do Viện tiến hành tại các xã của một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cho thấy: một số ít hộ dân vẫn giữ thói quen tích trữ nước mưa dùng để nấu nướng, còn một số nhỏ vẫn tiếp tục dùng nước hồ, ao trong sinh hoạt. Có tới 80% hộ dân sử dụng nước giếng công cộng (giếng đào) để rửa thức ăn, tắm gội. Họ chỉ sử dụng nước giếng khoan vào các mùa khô, khi nước giếng đào cạn. Vì vậy, không tránh khỏi sự tiếp xúc với asen qua đường ăn uống và qua da, ở một mức độ nào đó.
Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học công nghệ VN còn cảnh báo, ngay trong nước máy sinh hoạt tại nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội cũng chứa cả asen. Nặng nhất là các hộ dùng nước nhà máy Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai…Cũng theo ông Nhị, hoạt động khoan giếng thủ công dày đặc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho nguồn nước ngầm càng dễ bị nhiễm bẩn.
“Biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ các chất độc trong đó có asen là dùng nước sông Đà thay thế hoàn toàn nguồn nước ngầm"- ông Nhị nói. Tuy nhiên, mục tiêu của Hà Nội tới năm 2015 chỉ mới cung cấp được 200.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn nước sông Đà. Trong khi người dân nội thành mỗi ngày đang dùng hơn 750.000 m3.
TS Phạm Xuân Sử- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra hướng giải quyết trước mắt. Đó là các gia đình không có điều kiện dùng nước máy mà phải dùng nước giếng khoan nên xử lý nước bằng phương pháp sục khí, giàn mưa, bồn lắng, lọc..., vừa để khử sắt, vừa loại bỏ được asen trong nước. Biện pháp này nhận được sự đồng tình Viện Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường. Bởi những sau những đợt kiểm tra các mẫu nước đã qua bể lọc cát (theo quy trình được hướng dẫn) của người dân ở nhiều địa phương, có tới 60,5% số mẫu giảm lượng asen đến tiêu chuẩn cho phép của quốc tế và Việt Nam.